A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển

Giao thông nội đồng, đường sản xuất được các địa phương trong tỉnh quan tâm lồng ghép từ nhiều nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, giúp nhân dân tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Chúng tôi đến thăm bản Bãi Trâu (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) khi bà con đang háo hức chờ ngày tuyến đường sản xuất vùng chè của bản hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Được biết, tuyến đường dài 1km thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình “Nâng cấp đường liên bản Bãi Trâu - Nà Khum, đường ngõ bản, đường nội đồng, rãnh thoát nước bản Bãi Trâu, xã Bản Hon, huyện Tam Đường” với tổng mức đầu tư 8,65 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Anh Tao Văn Kẻo - Trưởng bản Bãi Trâu hồ hởi: Bản có 12ha chè trồng từ năm 2017, đến nay đã cho thu hoạch. Hiện tại, chè là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ dân. Tuy nhiên, chưa có đường bê-tông lên vùng sản xuất nên bà con vất vả trong khâu vận chuyển chè búp tươi sau khi thu hoạch và chở phân bón chăm sóc cây trồng. Vì thế, khi có chủ trương đầu tư tuyến đường này, bà con trong bản rất phấn khởi.
Vào mùa thu hoạch lúa, đi khắp các cánh đồng của huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy, xe tải nườm nượp chở thóc, chở rơm từ ngoài đồng về nhà. Theo chia sẻ của bà con các địa phương, trước đây khi chưa có những tuyến đường nội đồng này, họ phải gánh lúa từ chân ruộng ra đường lớn, vừa mệt, vừa tốn nhiều thời gian. Còn bây giờ, gặt lúa rồi vận chuyển về nhà đã nhàn hơn, nhanh hơn với sự trợ giúp của máy móc, phương tiện khi các tuyến đường nội đồng được bê-tông hóa.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường giao thông nội đồng vùng chè ở bản Bãi Trâu (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 526.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với lợi thế về đất đai, cùng khí hậu đặc trưng của từng vùng là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển ngành Nông nghiệp với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Vì vậy, để thúc đẩy ngành kinh tế chủ lực của tỉnh phát triển, ngoài ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh chú trọng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Trong đó, đẩy mạnh lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư đường giao thông nội đồng, đường sản xuất liên vùng.
Ông Trần Bảo Trung - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Dựa trên quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông nội đồng, đường ra khu sản xuất trên tinh thần “dễ làm trước, khó làm sau”. Ưu tiên thực hiện công trình trọng điểm ở các xã trong quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, cơ bản các xã, thị trấn được đầu tư hệ thống giao thông vùng sản xuất, tạo động lực cho nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, như: chăn nuôi đại gia súc; trồng chuối, mía, chè, mắc-ca, lúa chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới… để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cùng với lồng ghép các nguồn vốn, các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực từ cộng đồng thông qua hiến đất, góp công làm đường giao thông nội đồng, đường ra khu sản xuất.
Chị Lê Thị Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hua Nà (huyện Than Uyên) cho hay: Năm 2023, trên địa bàn xã mở mới gần 9km đường nội đồng, đường sản xuất vùng lúa, vùng chè ở các bản: Hua Nà, Nà Ban, bản Phường, bản Đắc. Để hoàn thiện được các công trình trên, chúng tôi vận động các hộ hiến hàng trăm mét vuông đất sản xuất. Hiện, các công trình đưa vào sử dụng, ôtô có thể vào tận cánh đồng, nương đồi thu mua nông sản.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 769 tuyến đường nội đồng, đường ra khu sản xuất được đầu tư với tổng chiều dài trên 1.415km. Qua đó, giúp nhân dân xây dựng thành công các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Năm 2023, nông dân trong tỉnh gieo cấy 31.392ha lúa, trong đó mở rộng diện tích lúa hàng hóa tập trung 3.879ha với các giống lúa chất lượng như: J02, séng cù, hương thơm số 1, nếp 97, Vass 16, BC15; trồng 19.625ha ngô. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn. Phát triển vùng nguyên liệu chè 9.786ha, vùng cây ăn quả 8.613ha, mắc-ca 7.327ha.
Từ việc thúc đẩy chăn nuôi, trồng trọt phát triển, người dân có cuộc sống ấm no hơn với thu nhập bình quân trên 47 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, các hộ tích cực thay đổi tư duy, tạo ra các sản phẩm OCOP mang đặc trưng, đặc sản của ngành Nông nghiệp Lai Châu. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm nông nghiệp: mật ong, gạo, miến, chè… được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.


Nguồn:Báo Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới

Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và PTNT-Tài nguyên và môi trường năm 2024, bàn giải pháp triển khai kế hoạch năm 2025

Ngày 09/01/2025, tại thành phố Lai Châu, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng sở Tài nguyên và môi trường tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và bàn giải pháp triển khai kế hoạch năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hà Trọng Hải, phó Chủ tịch UBND ...

Một số kết quả đạt được và giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022. Tỉnh Lai Châu đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày ...
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 677
Tháng 01 : 5.618