Về Lai Châu

Lai Châu là một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, phía bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía tây và phía tây nam giáp tỉnh Điện Biên, phía đông giáp tỉnh Lào Cai, phía đông nam giáp tỉnh Yên Bái, và phía nam giáp tỉnh Sơn La. Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 10/63 Tỉnh thành Việt Nam.

1. Vị trí địa lý 

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 450 km về phía Đông Nam, có tọa độ địa lý từ 21o51’ đến 22o49’ vĩ độ Bắc và 102o19’ đến 103o59’ kinh độ Đông; phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La. Địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, phía Đông là dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Tây là dãy núi Sông Mã, giữa hai dãy núi trên là phần đất thuộc vùng núi thấp tương đối rộng lớn thuộc lưu vực sông Đà với nhiều cao nguyên đá vôi dài 400 km chạy suốt từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa). Có nhiều cao nguyên, sông suối, sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Có 265,095 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, là tỉnh có vị trí quan trọng về địa lý và an ninh quốc phòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khí hậu mang tính chất gió mùa chí tuyến, ngày nóng, đêm lạnh. Khí hậu trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, có nhiệt độ và độ ẩm cao; mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khí hậu lạnh, độ ẩm và lượng mưa thấp, nhiệt độ trung bình năm khoảng 21ºC-23ºC. Lượng mưa bình quân năm từ 2.500-2.700 mm, phân bố không đều, hướng gió chủ yếu là gió Tây và gió Đông Nam, ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc.
2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
- Tỉnh Lai Châu có 9.068,78 km2 diện tích tự nhiên; có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị xã Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; 108 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 96 xã, 05 phường và 07 thị trấn (tăng 01 huyện, 03 xã và 02 phường).
Đất ở Lai Châu chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng và vàng nhạt phát triển trên đất cát, đất sét và đá vôi, có kết cấu chặt chẽ. Đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp là 84.209,3 ha, chiếm 9,28% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Diện tích rừng và đất rừng của Lai Châu chiếm tới 35% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, thuộc loại rừng nhiệt đới với quần thể thực vật rất phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như lát, trò chỉ, nghiến, táu, pơ mu… các loại đặc sản như thảo quả, cọ khiết (cây cánh kiến), song, mây, sa nhân… và nhiều loại động vật quý hiếm như tê giác, bò tót, vượn, hổ, công, gấu…
- Tài nguyên nước: là vùng thượng lưu sông Đà, lượng mưa lớn nên mật độ sông suối cao từ 5,5- 6 km/km2, ngoài ra còn có nhiều sông, suối khác có lưu lượng nước lớn như:
+ Sông Nậm Na (diện tích lưu vực khoảng 2.190 km2) chảy qua các địa bàn gồm toàn bộ huyện Phong Thổ, khu vực Tam Đường, phần tây Bắc của Sìn Hồ với mô đun dòng chảy trung bình 40-80 m3/s.
+ Sông Nậm Mạ chảy qua toàn bộ các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ, tổng diện tích lưu vực khoảng 930 km2, độ dốc khá nhỏ, chế độ dòng chảy thuận, mô đun trung bình đạt 50 m3/s.
+ Sông Nậm Mu chảy dọc theo thung lũng Bình Lư, Than Uyên có diện tích lưu vực khoảng 170 km2, mô đun dòng chảy mùa kiệt đạt 8 m3/s, mùa lũ đạt 12-14 m3/s.
Nước mặt là nguồn tài nguyên lớn để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng thời là nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện, trong đó có thủy điện Lai Châu với công suất 1.200MW, lượng điện bình quân 4.704 triệu kWh/năm, thủy điện Huổi Quảng 560MW, thủy điện Bản Chát 200MW và khoảng 20 công trình thủy điện nhỏ có công suất từ 3-30MW.
- Khoáng sản Lai Châu với hơn 120 điểm khoáng sản, chủng loại rất phong phú, phân bố đều khắp ở các địa phương: đất hiếm (trữ lượng trên 20 triệu tấn) tập trung ở xã Nậm Xe (Phong Thổ); các điểm quặng kim loại màu (đồng, chì, kẽm) với trữ lượng khoảng 6.000-8.000 tấn tập trung ở khu vực Sin Cai, Bản Lang, Tam Đường; các điểm quặng sắt (Huổi Luông - Phong Thổ), đồng (Ma Ly Pho - Phong Thổ), nhôm (Nậm Mạ - Sìn Hồ)… vàng ở Chinh Sáng, Bản Bo (Tam Đường), Noong Hẻo, Pu Sam Cáp (Sìn Hồ); nguyên vật liệu xây dựng: đá lợp, đá vôi, đá đen, đá trắng, trong đó đá vôi có trữ lượng lớn, hàm lượng ôxít can xi cao có thể phát triển công nghiệp sản xuất xi măng với quy mô lớn; nước khoáng với các điểm ở Vàng Bó, Mường So (Phong Thổ), Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường), Vàng Bơ (Than Uyên)…
- Dân số toàn tỉnh có 403,20 nghìn người, gồm 20 dân tộc cùng sinh sống trong đó dân tộc Thái 131.822 người, chiếm 34%; dân tộc Mông 86.467 người, chiếm 22,30%; dân tộc Kinh 54.027 người, chiếm 13,94%; dân tộc Dao 51.995 người, chiếm 13,41%; dân tộc Hà Nhì 14.658 người, chiếm 3,78%; dân tộc Giáy 12.443 người, chiếm 3,21%; dân tộc Khơ Mú 7.464 người, chiếm 1,93%; dân tộc La Hủ 10.141 người, chiếm 2,62%; dân tộc Lự 6.074 người, chiếm 1,57%; dân tộc Lào 6.020 người, chiếm 1,55%; dân tộc Mảng 2.995 người, chiếm 0,77%; dân tộc Cống 1.256 người, chiếm 0,32%; dân tộc Hoa 588 người, chiếm 0,15%; dân tộc Si La 546 người, chiếm 0,14%; dân tộc Kháng 161 người, chiếm 0,04%; dân tộc Tày 295 người, chiếm 0,08%; dân tộc Mường 116 người, chiếm 0,03%; dân tộc Nùng 180 người, chiếm 0,05%; dân tộc Phù Lá 27 người, chiếm 0,01%; các dân tộc khác 458 người, chiếm 0,12% (tính đến ngày 31/12/2011).
- Giao thông: chủ yếu là đường bộ. Tỉnh có quốc lộ 12 chạy qua nối từ Thành phố Điện Biên Phủ tới Trung Quốc (qua cửa khẩu Ma Lù Thàng), có quốc lộ 4D chạy tới thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Là cầu nối quan trọng giữa vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam Trung Quốc với vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh qua các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thủy sông Đà. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2020, tỉnh đề ra mục tiêu: khảo sát xây dựng sân bay cỡ nhỏ, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt: Yên Bái - Văn Chấn - Mù Căng Chải - Than Uyên - Tam Đường góp phần cải thiện điều kiện giao thông giữa địa phương và các tỉnh, thành khác trong nước.

CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh là tỉnh Lai Châu mới và tỉnh Điện Biên. Tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên là 9.068,78 km2, bao gồm có các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ và huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai.
Ngày 10 tháng 10 năm 2004 Chính phủ có Nghị định số 176/2004/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Lai Châu; ngày 30 tháng 10 năm 2008 Chính phủ ra Nghị định số 04/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Than Uyên để thành lập huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Ngày 02 tháng 11 năm 2012 Chính phủ có Nghị quyết số 71/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ, thành lập huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Như vậy đến cuối năm 2012, tỉnh Lai Châu có 8 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, gồm:

1. Thành phố Lai Châu
Thành phố Lai Châu trung tâm văn hóa - chính trị của tỉnh Lai Châu, được thành lập ngày 10 tháng 10 năm 2004 theo Nghị định số 176/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Phía Đông, phía Nam và phía Bắc giáp huyện Tam Đường; phía Tây giáp huyện Sìn Hồ. Có 7 đơn vị hành chính gồm 05 phường và 02 xã: phường Đoàn Kết, Quyết Thắng, Tân Phong, Quyết Tiến, Đông Phong và 2 xã Sùng Phài, San Thàng. Với tổng diện tích tự nhiên 70,77 km2, dân số toàn thị xã hiện nay 34,51 nghìn người, với 17 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc chính: Kinh 67%, Giáy 17,5%, Thái 8,5%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác chiếm tỷ lệ khoảng 1%.

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động thành phố Lai Châu đã có những bước phát triển ngày càng vững mạnh và đạt được những thành tựu lớn về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP hằng năm đạt 21,5%. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Văn hóa - xã hội được quan tâm lãnh đạo phát triển theo hướng, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Quy mô, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp được nâng lên. Hoạt động văn hóa có chuyển biến tích cực, nếp sống văn minh đô thị từng bước hình thành. Truyền thống văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đến năm 2010 thị xã còn 140 hộ nghèo (1,7%). Việc chăm sóc các gia đình chính sách, các đối tượng có đời sống khó khăn thực hiện thường xuyên có hiệu quả. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

Hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước; nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Đảng bộ thành phố Lai Châu quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo: Tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; mở rộng sự hợp tác liên kết với bên ngoài, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm chênh lệch về mức sống giữa các khu vực, các dân tộc. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện chương trình phổ cập trung học phổ thông; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh.

2. Huyện Than Uyên
Nằm ở phía Nam của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên có tổng diện tích tự nhiên 792,52 km2. Phía Đông giáp huyện Sa Pa, huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); phía Tây giáp huyện Quỳnh Nhai (Sơn La); phía Nam giáp huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La); phía bắc giáp huyện Tân Uyên. Dân số có 59,78 nghìn người, gồm 10 dân tộc, trong đó: Dân tộc Thái, chiếm 71,23%; dân tộc Kinh, chiếm 13,62%; dân tộc Mông, chiếm 9,95%; dân tộc Dao, chiếm 0,60%; dân tộc Khơ Mú, chiếm 1,96%; dân tộc Tày, chiếm 0,30%; còn lại là các dân tộc khác. Huyện Than Uyên có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm Thị trấn Than Uyên và các xã: Pha Mu, Mường Mít, Phúc Than, Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Tà Hừa, Tà Mung, Mường Kim, Ta Gia, Khoen On.

Một góc thị trấn Than Uyên
Than Uyên là huyện có bề dày truyền thống lịch sử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với địa danh lịch sử, Bản Lướt xã Mường Kim, nơi Ban cán sự Đảng Lai Châu thông qua Nghị quyết của Liên khu ủy 10 về thành lập Chi bộ Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay). Tháng 10 năm 2003 huyện Than Uyên vinh dự được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp, có cánh đồng Mường Than lớn thứ 3 vùng Tây Bắc với diện tích hơn 2.000 ha; có 2 thủy điện lớn là: Bản Chát có công suất 220 MW và Huổi Quảng có công suất 560 MW, đang được xây dựng. Nền kinh tế của huyện những năm qua tiếp tục được duy trì và có sự tăng trưởng khá, GDP năm 2012 đạt 16,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đã xác định, một số ngành, lĩnh vực bước đầu đã có sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tập trung gắn với chế biến và phát huy lợi thế từng vùng. Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từng bước được đổi mới phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đến nay 100% các xã trong huyện có đường đến trung tâm xã; 83,33% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia (năm 2012). Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo có những chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có sự phát triển khá, chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng lên, 100% số xã, thị trấn được công nhận xóa mù chữ; phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2012). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng. Các hoạt động văn hóa - xã hội có những bước chuyển mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh, đạt những kết quả quan trọng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước được củng cố. Phát huy truyền thống huyện Anh hùng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Than Uyên đang nỗ lực quyết tâm xây dựng Than Uyên ngày càng giàu đẹp.

3. Huyện Tân Uyên
Huyện Tân Uyên được chia tách, thành lập từ huyện Than Uyên, theo Nghị định số 04/NĐ-CP, ngày 30 tháng 10 năm 2008, của Chính phủ. Huyện nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); phía Tây giáp huyện Sìn Hồ, phía Nam giáp huyện Than Uyên, phía Bắc giáp huyện Tam Đường (Lai Châu). Tổng diện tích tự nhiên của huyện có 897,33 km2; dân số 51,06 nghìn người gồm 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó: dân tộc Thái 47,64%; dân tộc Mông 16,88%; dân tộc Kinh 13,63%; dân tộc Dao 4,25%... Huyện Tân Uyên có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã, thị trấn: Mường Khoa, Phúc Khoa, Nậm Sỏ, Nậm Cần, Thân Thuộc, Trung Đồng, Hố Mít, Pắc Ta, Tà Mít và thị trấn Tân Uyên.
Huyện Tân Uyên có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, hiện nay toàn huyện có 1.200 ha chè, với các giống chủ lực là Tuyết San, Bát Tiên và Thanh Tâm, sản lượng chè búp tươi của toàn huyện hàng năm đạt trên 8.500 tấn, cùng với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và nguồn nhân lực dồi dào nhân dân cần cù, chịu khó, lao động sáng tạo. Đó là những động lực quan trọng để Tân Uyên phát triển bền vững và toàn diện trong tương lai không xa.

4. Huyện Tam Đường
Tam Đường nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp huyện Phong Thổ, phía Tây giáp huyện Sìn Hồ và thị xã Lai Châu, phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), phía Nam giáp huyện Sìn Hồ và huyện Than Uyên.
Tháng 11/2004, thực hiện Nghị định số 176/CP-TTg của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tam đường và thị xã Lai Châu. Sau khi chia tách, huyện Tam Đường có diện tích tự nhiên là 684,52 km2, gồm 14 xã, thị trấn, dân số 49,36 nghìn người, huyện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Sùng Phài, Nùng Nàng, Bản Giang, Bản Hon, Thèn Xin, Tả Lèng, Hồ Thầu, Giang Ma, Bình Lư, Sơn Bình, Nà Tăm, Bản Bo, Khun Há và thị trấn Tam Đường.

Một góc thị trấn Tam Đường
Là huyện có địa hình phức tạp được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Đông là dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài hơn 80 km với đỉnh Phanxipăng cao 3.143 m, phía Đông là dãy Pu Sam Cáp kéo dài khoảng 60 km, xen kẽ những dãy núi cao là các thung lũng và sông suối...
Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt: Thể hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 đạt 19%; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,5 triệu/người/năm; bình quân lương thực đầu người đạt 753kg; 9/14 xã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi; có thêm 12 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (năm 2012). Hình thành một số vùng sản xuất kinh doanh tập trung như: lúa ở Bình Lư, Bản Bo, Thèn Sin; chè ở Bản Giang, Bản Hon, Bản Bo, Thèn Sin, Tả Lèng; dong riềng ở Bình Lư; nuôi trồng thủy sản ở Thị trấn, Bình Lư, Bản Giang, Sơn Bình; chăn nuôi đại gia súc ở các xã vùng cao... Hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển khá đồng bộ, đến nay 14/14 xã có đường ô tô đến trung tâm; hạ tầng giao thông thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. 100% các xã ở trung tâm đã có trường học kiên cố, ở các điểm bản không còn phòng học tạm; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới đạt 83,7%; tỷ lệ số hộ được cấp nước sinh hoạt đạt 95%... bộ mặt nông thôn từng bước được đổi thay và phát triển.
Văn hóa xã hội tiếp tục được phát triển, sự nghiệp giáo dục tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng; chất lượng dạy học được nâng lên, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, duy trì kết quả phổ cập giáo dục - chống mù chữ, đẩy nhanh tiến độ phổ cập trung học cơ sở. Thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, công tác văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao từng bước phát triển, các chính sách xã hội được quan tâm chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh.
Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công tác phát triển đảng viên và tổ chức đảng, xóa tổ chức cơ sở đảng yếu kém, nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện.

5. Huyện Phong Thổ
Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu. Phía Bắc tiếp giáp huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây giáp huyện Sìn Hồ, phía Đông giáp huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), phía Nam giáp huyện Tam Đường. Huyện có 18 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, với 98,95 km đường biên giới.
Nhiệt độ trung bình hằng năm là 22OC, lượng mưa trung bình hằng năm 2.226 mm, độ ẩm 84,34%. Diện tích tự nhiên của huyện là 1.029,25 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 17.915,4 ha; diện tích đất lâm nghiệp 50.264,4 ha...
Dân số 71,32 nghìn người, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Dao 36,25%; dân tộc Mông 25,46%; dân tộc Thái 17,92%, dân tộc Hà Nhì 7,85%; dân tộc Kinh 3,98%; dân tộc Giáy 3,1%,... Mật độ dân số trung bình 69,29 người/km2.
Phong Thổ là huyện có nhiều tài nguyên khoáng sản, trữ lượng khá lớn như đất hiếm, đồng, vàng… là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; suối nước nóng Vàng Bó, di tích của người Việt cổ Nậm Phé, Nậm Tun, miếu Nàng Han; có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc: Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Lễ hội Nàng Han, lễ hội Then Kin Pang của người Thái, lễ hội Gầu Tào của người Mông; có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng tạo điều kiện quan trọng để trao đổi hàng hóa giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch: tổng sản phẩm xã hội toàn huyện năm 2012 đạt 373,4 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,4%; thu nhập bình quân đầu người 10,5 triệu đồng; lương thực bình quân 460kg/người; 18/18 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, được phủ sóng điện thoại; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46% (tính đến năm 2012). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới được giữ vững, quan hệ đối ngoại với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) được duy trì và mở rộng; hệ thống chính trị được củng cố, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc, bản sắc văn hóa các dân tộc nhất là những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được lưu giữ và phát huy.

6. Huyện Sìn Hồ
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu. Phía Đông Bắc giáp huyện Phong Thổ; phía Đông Nam giáp huyện Than Uyên; phía Tây giáp huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu); phía Nam giáp huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La); Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Huyện Sìn Hồ có diện tích tự nhiên 1.526,96 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 26.562,3 ha; đất lâm nghiệp là 74.678,3 ha; đất chuyên dùng 1.580,7 ha; đất ở 914,4 ha. Là huyện có địa hình tương đối phức tạp, nhiều núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh bởi nhiều khe sâu.

Thị trấn Sìn Hồ
Trải qua gần 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện: Từ điểm xuất phát thấp, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tự cung tự cấp, đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định; Tốc độ tăng trưởng kinh tế 14,5%, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 07 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt: 33.760 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 400 kg. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,3%/năm (tính đến 12-2012).
Dân số 74,80 nghìn người, toàn huyện có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông, chiếm 34,80%; dân tộc Thái, chiếm 35,79%; dân tộc Dao, chiếm 22,99%; dân tộc Kinh, chiếm 6,42%; dân tộc Lự, chiếm 4,41%; dân tộc Hà Nhì, chiếm 0,18%; dân tộc Mảng, chiếm 1,64%;...
Các hoạt động văn hóa thông tin, văn nghệ, thể thao của huyện ngày một phát triển. Sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển: Giữ vững phổ cập tiểu học - xóa mù chữ; duy trì 23/23 xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 23/23 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đạt 100% kế hoạch, 8/23 xã hoàn thành phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi; có 02 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tính đến năm 2012). Các chương trình y tế quốc gia, các chính sách y tế cho hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc xin đạt 91,2% trở lên; công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai ở 23/23 xã, thị trấn; cấp gần 5.000 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em, góp phần đẩy mạnh sản xuất và phát triển kinh tế (tính đến năm 2012).
Đồng bào các dân tộc Sìn Hồ luôn có tinh thần yêu quê hương đất nước, đánh giặc ngoại xâm, đồng thời có tinh thần cần cù, dũng cảm trong lao động, sản xuất và chiến đấu, đoàn kết đùm bọc, thương yêu nhau, tạo thành sức mạnh, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương.

7. Huyện Mường Tè
Là huyện biên giới, phía Đông giáp với huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu và huyện Kim Bình (Vân Nam - Trung Quốc), phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và phía Nam giáp huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên).
Ngày 02-11-2012 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 71/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tỉnh Lai Châu. Huyện Mường Tè có diện tích 2.679,34 km2; Dân số 39,92 nghìn người; gồm 12 dân tộc: dân tộc Kinh 5,73%; dân tộc Thái 35,86%; dân tộc Mông 22,59%; dân tộc Dao2,45%; dân tộc La Hủ 25,40%; Hà Nhì 22,32%; dân tộc Mảng 4,42%; dân tộc Cống 3,14%; dân tộc Khơ Mú 2,30%; dân tộc Giáy 2,35%; dân tộc Si La 1,36%; dân tộc Hoa 0,30%. Huyện có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Bum Nưa, Bum Tở, Mường Tè, Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Nậm Khao, Can Hồ, Tà Tổng, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và thị trấn Mường Tè.
Là huyện vùng cao biên giới chủ yếu là đồi núi cao hiểm trở, có độ cao trung bình từ 900-1.500m, khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh mưa ít, mùa hè nóng mưa nhiều, có nhiều sông suối bắt nguồn từ Vân Nam - Trung Quốc gây cản trở cho việc đi lại.
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã làm cho Mường Tè từ một huyện thuần nông kinh tế kém phát triển, đến nay Mường Tè đã có nhiều thay đổi, kinh tế có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo cán bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng các cấp.

8. Huyện Nậm Nhùn
Là một huyện biên giới, phía Tây Bắc của Tổ quốc; huyện chính thức được thành lập theo Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 02-11-2012 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích, nhân khẩu của huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Tổng diện tích tự nhiên là 1.388,08 km2; với 11 đơn vị hành chính, gồm: Thị trấn Nậm Nhùn; các xã: Hua Bum, Mường Mô, Nậm Chà, Nậm Hàng, Nậm Manh, Pú Đao, Lê Lợi, Nậm Pì, Nậm Ban, Trung Chải. Địa giới hành chính của huyện: phía Đông giáp huyện Sìn Hồ; phía Tây giáp huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); phía Nam giáp thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên); phía Bắc giáp huyện Mường Tè và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Huyện có địa bàn rộng, có nhiều núi cao, trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển; địa hình dốc từ Tây sang Đông, nhiều khe suối, chảy vào 2 sông lớn là sông Đà và sông Nậm Na; thời tiết diễn biến phức tạp, chia thành 2 mùa rõ dệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau); giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa như Nậm Chà, Trung Chải, Nậm Pì, Nậm Ban, Nậm Manh.
Huyện có 70 bản, với 11 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, gồm: Thái, Hoa, Kinh, Khơ Mú, Dao, Mông, Mảng, Hà Nhì, Cống, Tày, Mường; Toàn huyện có tổng số 4.228 hộ; 24.165 nhân khẩu. Trong đó có 2.044 hộ, với 10.291 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo, chiếm 48,3%. Kinh tế huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; hiện nay đã có sự phát triển nhưng một số lĩnh vực có biểu hiện chưa bền vững, một số xã còn gặp nhiều khó khăn.

Tin mới
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 665
Tháng 12 : 5.484