Liên kết vùng trong thương mại điện tử “chìa khóa” nâng tầm sản phẩm OCOP Tỉnh Lai Châu
Với tiềm năng nông nghiệp phong phú, Lai Châu đang khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam, không chỉ bằng những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn mà còn bằng chiến lược đột phá như phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số và đẩy mạnh liên kết vùng trong thương mại điện tử. Sự kiện "Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc" sắp diễn ra tại Lai Châu (từ ngày 23 đến 25/5 tới đây), do Bộ Công Thương và tỉnh Lai Châu phối hợp tổ chức, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội lớn cho nông sản của tỉnh và khu vực.
Chủ thể có sản phẩm OCOP được tham gia kết nối, xúc tiến thương mại tại các sự kiện
OCOP Lai Châu đạt mốc ấn tượng
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) chính là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của chuyển đổi số. Đến thời điểm này, Lai Châu đã có 222 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao từ hơn 113 chủ thể. Điều đáng nói là, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp 100% sản phẩm OCOP sau khi chứng nhận được hỗ trợ kết nối lên các sàn thương mại điện tử; 90% số hộ sản xuất nông nghiệp đã đăng ký tài khoản bán hàng trực tuyến. Toàn bộ các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh đều được tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo ký kết tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc.
Trong những năm qua, Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh đã có 111 cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, tưới tiêu tự động. Hơn 4.000ha vùng trồng cây ăn quả được gắn mã số, truy xuất nguồn gốc; 80 sản phẩm đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ và 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đã áp dụng mã số, mã vạch.
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu: các cấp chính quyền từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số, đã giúp các sản phẩm của Lai Châu không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn mà còn dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Từ khâu quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đến quảng bá và phân phối, công nghệ số đã trở thành cầu nối quan trọng đưa nông sản Lai Châu đến tay người tiêu dùng một cách minh bạch và hiệu quả nhất.
Các điển hình như Công ty CP truyền thông Tây Bắc TV, Cơ sở sản xuất Nấm đông trùng hạ thảo Đào Huy Cương, Cơ sở sản xuất thịt sấy Ninh Sớp, HTX miến dong Bình Lư… đã chứng minh hiệu quả vượt trội, với doanh thu tăng từ 30-50% nhờ ứng dụng công nghệ.
Được biết, năm 2024, tỉnh Lai Châu đã tích cực tổ chức và tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại 4 hội chợ lớn và 2 sự kiện cấp tỉnh như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM 2024, Lễ hội sen Hà Nội (kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc) và Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc-Quảng Ninh 2024. Đồng thời, tỉnh Lai Châu cũng chủ động tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lai Châu 2024 và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu 2024. Các hoạt động này nhằm giới thiệu, thúc đẩy kết nối cung cầu các sản phẩm chủ lực như Sâm, trà, dược liệu, sản phẩm OCOP.
Liên kết vùng trong thương mại điện tử nâng tầng tầm OCOP Lai Châu
100% Các sản phẩm OCOP Lai Châu áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc điện tử
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nông nghiệp Lai Châu vẫn đối mặt với thách thức về quy mô sản xuất còn manh mún, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Đây chính là lý do mà việc đẩy mạnh “liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử” được đặt lên hàng đầu.
Từ ngày 23 đến 25/5 tới đây, tỉnh Lai Châu sẽ trở thành tâm điểm của vùng trung du và miền núi phía Bắc với việc đăng cai sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía bắc”. Đây là sự kiện cấp vùng do Bộ Công thương và tỉnh Lai Châu phối hợp tổ chức hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội lớn cho nông sản của tỉnh Lai Châu và khu vực.
Một trong những mục tiêu cốt lõi của sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc” lần này là triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 05/05/2020 của Bộ Chính trị. Nghị quyết này nhấn mạnh vai trò đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển quốc gia.
Đồng thời, sự kiện cũng là cách chúng ta triển khai Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về phong trào “Bình dân học vụ số”, cũng như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sự kiện không chỉ là cơ hội để các tỉnh trong vùng giới thiệu, kết nối sản phẩm, mà còn là nền tảng để xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết. Khi các tỉnh cùng hợp tác trên nền tảng thương mại điện tử, chúng ta có thể tạo ra một thị trường chung lớn hơn, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Việc này cũng giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các đặc sản chất lượng cao của khu vực.
Được biết, để đẩy mạnh liên kết vùng trong thương mại điện tử và nâng tầm sản phẩm, Lai Châu đang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các chính sách hỗ trợ tập trung, trọng điểm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các gói hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thông minh, chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu số, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, chú trọng đầu tư sản xuất chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mẫu mã bao bì phù hợp thị hiếu. Việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc trưng là yếu tố sống còn để sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường số./.