A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thăm vườn chè OCOP của ông chủ trẻ nhất Lai Châu

Những ngày cuối đông chuyển sang xuân, chè im lìm với màu xanh thẫm, nhưng vườn chè OCOP của anh Nguyễn Văn Chính (bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) đã nảy những búp non li ti chuẩn bị đón lứa mới. Đó là nhờ “nghệ thuật trồng chè” của ông chủ vườn chè trẻ nhất Lai Châu khi anh mới tròn 25 tuổi và chưa lập gia đình.

Giữa ngút ngàn những đường vân trong mây, lúc uốn cong, lúc thẳng tắp của những đồi chè hút mắt ở Phúc Khoa, chúng tôi thấy có điều khác lạ ở một số diện tích chè do anh Nguyễn Văn Chính làm chủ. Đó là những luống chè đều cắt tạo vòm chứ không bằng phẳng như luống chè của các gia đình khác cùng thửa. Điều này được anh giải thích rằng, khi cắt tạo vòm thì diện tích chè tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ nhiều hơn (khoảng 1,3m) so với cắt bằng (khoảng 1m). Và nhờ đó diện tích thu hái cũng tăng (tăng năng suất, sản lượng chè). Cắt tạo vòm còn giúp chè quang hợp chất dinh dưỡng tốt hơn nên búp đều mà cùng một công đốn. Anh Chính phải mất vài năm nuôi chè mới có thể đốn vòm.

Tốt nghiệp chuyên ngành sửa chữa điện nhưng anh Chính lại trở thành kỹ sư nông nghiệp bất đắc dĩ. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên nghiệp nhưng anh không đi làm trong cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp với nghề được đào tạo mà nối tiếp ngành nghề của bố mẹ trao lại cùng với tài sản là 2,5ha chè. Trở thành ông chủ của những nương chè rộng lớn, anh Chính đã biến sức trẻ thành màu xanh và trái ngọt trên những mảnh đồi bố mẹ trao lại.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng lãnh đạo xã thăm vườn chè OCOP của anh Nguyễn Văn Chính.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cùng lãnh đạo xã thăm vườn chè OCOP của anh Nguyễn Văn Chính.

Trong tổng diện tích 2,5ha, có gần 1ha anh Chính sản xuất chế biến sản phẩm chè OCOP. Năm 2022, sản phẩm trà Kim Tuyên Phúc Khoa do anh Nguyễn Văn Chính làm chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiêu chuẩn 3 sao. Đây là bước khởi đầu thuận lợi để anh tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thu mua chè búp tươi và chế biến. Anh cũng được các cơ quan chuyên môn huyện tạo điều kiện kết nối với các siêu thị lớn để tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm chè của địa phương vươn xa ra thị trường lớn.

Sản phẩm OCOP trà Kim Tuyên Phúc Khoa đặc biệt ở chỗ hạn chế tối đa các chất hóa học là nhờ nguồn phân bón do anh Chính tự chế xuất. Tận dụng phế liệu nông nghiệp như: đỗ tương, cám gạo ủ cùng với chuối chín loại thải do anh mua từ các xã trên địa bàn để chế biến thành phân hữu cơ dạng nước cô đặc. Sau đó, hòa với nước theo tỷ lệ 1 lít nước phân pha với 20 lít nước tưới cho cây chè là phù hợp.

Để có được công thức chế biến phân hữu cơ có một không hai này, anh Chính đã phải đi học hỏi nhiều nơi, thậm chí mua công thức và được người bán hướng dẫn cách chế biến từ xa. Loại phân bón này theo anh Chính rất tốt cho cây trồng và giảm chi phí trong điều kiện giá phân bón vô cơ tăng cao. Tốt ở chỗ, trong quả chuối có lượng đạm và kali tương đối lớn, khi ủ và cho chế phẩm emzim trộn lẫn sẽ làm ngấu các dưỡng chất nhanh hơn, khi bón, cây được ăn dinh dưỡng trực tiếp chứ không phải qua quá trình phân hủy tự nhiên. Do đó, quá trình hấp thụ nguồn phân bón của cây trồng diễn ra nhanh hơn và không hại đất so với nguồn phân bón vô cơ.

Được biết, nguồn phân bón hữu cơ do anh Chính chế biến còn làm giảm nấm hại trên cây trồng. Chất lượng chè cũng được tăng lên nhờ cắt tạo vòm, có nhiều vi lượng dinh dưỡng thiên nhiên nên hương vị chè tăng lên và cây chè phát triển khỏe mạnh.

Vườn bưởi diễn sai trĩu quả do anh Chính làm chủ.

Vườn bưởi diễn sai trĩu quả do anh Nguyễn Văn Chính làm chủ.

Trên diện tích chè còn lại, anh Chính trồng xen khoảng trên 120 gốc bưởi diễn, ngoài ra còn có các loại cây ăn quả khác như: xoài, mít. Anh còn sở hữu đàn trâu 5 con ăn hoàn toàn bằng nguồn cỏ voi ủ chua. Nguồn phân chuồng từ chăn nuôi anh cũng đang nghiên cứu cách thức ủ cùng với các loại phân xanh để bón cho cây trồng. Ý tưởng này thực sự hữu ích trong điều kiện giá cả các mặt hàng phân bón tăng cao trên thị trường. Do đó, bà con trong vùng có nhu cầu học hỏi, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ, trồng chè sạch và sẽ đứng ra thu mua, tiêu thụ.

700 triệu đồng là số tiền mà thanh niên Nguyễn Văn Chính thu về được mỗi năm từ sản xuất chè và các nguồn thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi. Mong rằng, ý chí và khát vọng của anh Chính sẽ giúp anh vươn xa hơn nữa, không chỉ tích lũy, làm giàu chính đáng mà còn đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương.


Tác giả: Thu Trang - BLC
Nguồn:https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%C4%83m-v%C6%B0%E1%BB%9Dn-ch%C3%A8-ocop-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-ch%E1%BB%A7-tr%E1%BA%BB-nh%E1%BA%A5t-lai-ch%C3%A2u Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới

Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và PTNT-Tài nguyên và môi trường năm 2024, bàn giải pháp triển khai kế hoạch năm 2025

Ngày 09/01/2025, tại thành phố Lai Châu, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng sở Tài nguyên và môi trường tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và bàn giải pháp triển khai kế hoạch năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hà Trọng Hải, phó Chủ tịch UBND ...

Một số kết quả đạt được và giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022. Tỉnh Lai Châu đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày ...
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 677
Tháng 01 : 5.618