Phong Thổ đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp
(BLC) - Những năm gần đây, huyện Phong Thổ đã kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên địa bàn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường.
Những kết quả bước đầu
Với nhiều người dân xã Bản Lang, lúa, ngô, chuối, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn là những cây trồng, vật nuôi quen thuộc đã ăn sâu, bám rễ trong tư duy làm kinh tế. Dù vậy, thực hiện chủ trương liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gần đây người dân các bản trong xã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa, chanh leo.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2022, người dân đã trồng được 371ha lúa, trong đó riêng lúa tẻ râu trên 100ha, nếp tan là 150ha. Đây là những loại lúa có chất lượng cao (lúa nếp tan được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao), khi nấu chín cơm có mùi thơm, đậm đà, được nhiều khách hàng hài lòng. Công ty TNHH một thành viên Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc đã thu mua sản phẩm lúa tẻ râu với giá 11.000-13.000 đồng/kg. Nếp tan người dân vừa bán cho doanh nghiệp vừa bán cho khách lẻ. Điều này giúp người nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm mà hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: “Các sản phẩm lúa được bán ra thị trường góp phần nâng mức bình quân lương thực đầu người của xã lên gần 500kg/người/năm, tăng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 28 triệu đồng/người/năm. Từ tháng 8/2022 đến nay, xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và một đơn vị doanh nghiệp triển khai mô hình chanh leo tại các bản: Nà Cúng, Pho, Sàng Giang… diện tích 28ha. Hiện, chanh leo phát triển tốt, 3/28ha đã ra quả, bước đầu bán ra thị trường với giá từ 7.000-30.000 đồng/kg. Điều này mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế của xã”.
Nhiều sản phẩm lúa chất lượng của xã Bản Lang được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích đất nông nghiệp nhiều, xã Hoang Thèn đưa cây mía vào trồng từ năm 2019. Qua đánh giá, hiện toàn xã có 64ha, năng suất bình quân 68-69 tấn/ha, có thời điểm cao nhất 107 tấn/ha. Trong 2 năm đầu tiên trồng (2019-2020), mía mang lại thu nhập cho các hộ dân từ 90-100 triệu đồng/ha. Riêng năm 2021, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, mía không xuất khẩu được ra nước ngoài nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông sản Lai Châu vẫn nỗ lực tìm cách tiêu thụ sản phẩm bằng cách nấu mật mía và thu mua mía đúng giá cam kết 1.000 đồng/kg. Từ ngày 9-29/12/2022, HTX đã chi trả hết số tiền mua mía (trên 2,7 tỷ đồng) cho bà con trên địa bàn xã.
Trao đổi với đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ chúng tôi được biết, việc liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm được huyện Phong Thổ đẩy mạnh thực hiện từ vài năm trở lại đây với các sản phẩm chủ lực của huyện. Lợi ích của việc liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm là rất lớn bởi được hỗ trợ các chính sách của trung ương và của tỉnh. Liên kết là hướng phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, luôn được doanh nghiệp, HTX và người dân tích cực tham gia. Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Phong Thổ triển khai thực hiện các chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ: mía, lê, xoài, lúa, chè... Việc liên kết đã giúp giải quyết bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như giúp doanh nghiệp, người dân có thêm thu nhập.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Đó là quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhỏ, lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên. Mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn lỏng lẻo; sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Thực hiện theo hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người dân chưa đảm bảo. Giá cả nông sản của một số cây trồng trong những năm vừa qua biến động liên tục nên các doanh nghiệp thu mua chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bảo hiểm giá.
Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặt hàng mía không xuất khẩu được nhưng doanh nghiệp luôn nỗ lực thực hiện cam kết với người dân.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do quy mô sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng. Hoạt động của các HTX, doanh nghiệp, đơn vị trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 có tác động đến việc lưu thông hàng hóa, nên một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động, một số khâu trong chuỗi giá trị bị đứt gãy, khó khăn trong thực hiện.
Thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục tổ chức và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Cùng với đó làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dụng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.