A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi doanh nghiệp “bắt tay” nông dân

Với gần 6.000ha đất nông nghiệp, trong đó có tới 2.200ha đất chưa sử dụng và nhiều cánh đồng bằng phẳng, xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) được cho là địa phương có thuận lợi lớn trong phát triển nông nghiệp. Nơi đây còn có nguồn đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, có các bản vùng cao, nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Đây chính là lý do vì sao Mường Khoa được ví như “bông hoa” đang hé nở, kéo ong về làm mật.

Để từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã xác định chương trình trọng điểm là mở rộng, thâm canh nâng cao chất lượng vùng chè gắn với bao tiêu, chế biến sản phẩm. Từ đó nhằm phát huy lợi thế nông nghiệp nói chung, cây lúa, chè, mắc-ca, ớt nói riêng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, sản xuất ra lượng nông sản có năng suất, chất lượng, giá trị tăng và sức cạnh tranh cao; tạo chuyển biến về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất, chế biến sản phẩm quy mô lớn. Đẩy mạnh thâm canh theo vùng gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với quy hoạch của xã; tạo thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân.
Mặc dù vậy, cùng với tiềm năng nội tại, nội lực của người dân, rất cần có sự đầu tư, liên kết phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Từ thực tế đó, Đảng bộ xã sớm quan tâm, lãnh, chỉ đạo thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Đến nay, xã đã thu hút 5 công ty, 2 HTX vào đầu tư, trong đó có 3 công ty, 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể đối với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè có 2 đơn vị: Công ty Cổ phần Nhật Gia Huy và HTX Mường Khoa với mức đầu tư tối đa trên 20 tỷ đồng. HTX Nông dược Phương Nam đầu tư gần 5 tỷ đồng, sản xuất chế biến chè lăn, công suất 2 tấn/ngày, đồng thời liên kết, bao tiêu, tiêu thụ 72 tấn ớt. Công ty TNHH Thương mại rau củ quả Ngọc Linh, Sơn La liên kết bao tiêu 150 tấn bí đao xanh cho nông dân trong xã. Công ty Liên Việt Lai Châu đầu tư, phát triển 770ha cây mắc-ca, kết hợp với cây trồng lâm nghiệp khác...

Với nguồn đất đai màu mỡ, xã Mường Khoa đang thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp.

Về đối tác tiêu thụ chè của HTX Nông dược Phương Nam, bà Mã Thị Kim Đào - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng Đại Nam Sơn (Hà Nội) cho hay, công ty đang tiêu thụ sản phẩm chè thô tại Lai Châu để ướp hương hoa nhài và tạo ra sản phẩm trà hoàn hảo. Thời gian tới, công ty tiếp tục đồng hành cùng HTX và mở rộng vùng nguyên liệu để tiếp tục thu mua, chế biến, làm cho chè Lai Châu thơm hơn, tỏa hương xa hơn. Hiện nay, xã Mường Khoa tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để HTX Nông dược Phương Nam xúc tiến xây dựng Trung tâm Bảo tồn nguồn gốc các loại dược liệu quý Lai Châu. Đặc biệt, đang đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp vào liên kết, phát triển vùng trồng sâm Lai Châu, rau an toàn, chăn nuôi gia súc cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch tại bản Hô Tra.
Đồng chí Trương Thanh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã còn gặp những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc khó tập trung, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất do người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi nhận thức trong sản xuất. Giá trị đầu tư của doanh nghiệp, HTX vào lĩnh vực nông nghiệp rất cao, dễ gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... Mặt khác, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, bán lẻ; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
Để thắt chặt “cái bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân, thời gian tới, xã Mường Khoa tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX vào khảo sát, thăm dò đầu tư. Ưu tiên, sắp xếp thời gian hợp lý, tổ chức đón làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển, kêu gọi đầu tư vào địa bàn xã. Chủ động cung cấp thông tin, cập nhật điều kiện thuận lợi của từng khu vực, địa điểm, cùng tham gia khảo sát và đưa ra phương án phù hợp để đầu tư. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, thuê đất, thẩm định và chấp thuận địa điểm đối với các dự án đầu vào địa bàn xã; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo đúng kế hoạch.
Xã tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như: thủy lợi, giao thông nông thôn… giúp người dân phát triển sản xuất và làm nền tảng để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp. Thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi đầu tư vào nông nghiệp, đảm bảo hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời theo chính sách hiện hành. Phối hợp chặt chẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, chỉ dẫn địa lý đối với những sản phẩm có thế mạnh của xã. Lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh để từng bước giải quyết khó khăn, tạo niềm tin đối với doanh nghiệp. Ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển du lịch cộng đồng.


Nguồn:Thu Trang - BLC Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 655
Tháng 12 : 5.485