Hiệu quả từ mô hình nuôi ngựa bạch của Hợp tác xã Mý Dao góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch sinh sản và ngựa bạch thương phẩm theo hướng chăn nuôi dược liệu và an toàn sinh học của Hợp tác xã Mý Dao, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bước đầu đã có hiệu quả rõ nét.
Hình ảnh: Đàn ngựa bạch của Hợp tác xã Mý Dao
Cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1.500m, nơi đây không chỉ là vùng đất thơ mộng với những cánh rừng đại ngàn, cảnh quan kỳ vĩ, mà nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng mầu mỡ thuận lợi phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên là 152.245,18 ha, trong đó: diện tích đất nông nghiệp là 92.856,42 ha, chiếm 60,99% tổng diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp 7.747,65 ha, chiếm 5,09% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng 51.641,1 ha, chiếm 33,92% tổng diện tích tự nhiên.
Nhận thức được điều này, Hợp tác xã Mý Dao đã mạnh rạn đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa bạch sinh sản và ngựa bạch thương phẩm theo hướng chăn nuôi dược liệu và an toàn sinh học . Tháng 7/2024, Hợp tác xã đã mua 16 con ngựa bạch giống, giá trị 01 tỷ đồng, đầu tư hệ thống chuồng trại để chăn nuôi; đến nay dàn ngựa đã sinh sản được thêm 01 con, dự kiến trong năm 2025 tăng lên trên 22 con.
Hình ảnh: Đàn ngựa bạch của Hợp tác xã Mý Dao
Ông Giàng Xuấn Cường, giám đốc Hợp tác xã Mý Dao cho biết, trước mắt hợp tác xã phát triển chăn nuôi ngựa bạch theo hướng an toàn sinh học tuần hoàn khép kín, kết hợp trồng rau hữu cơ sử dụng phế phẩm chăn nuôi sinh học (phân trùn quế). Định hướng dài hạn sẽ nhân rộng mô hình, xây dựng thương hiệu ngựa bạch nuôi từ dược liệu có giá trị cao và đưa mô hình thành địa điểm thu hút khách thập phương tham quan nghỉ dưỡng, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm, sản vật của địa phương, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.