Dám nghĩ, dám làm
Không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, cùng với đức tính cần cù ham học hỏi, anh Giàng A Khá ở bản Sân Bay (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng mô hình chăn nuôi bằng những loại con giống mới nhằm mục tiêu phấn đấu để gia đình có cuộc sống khấm khá hơn.
Đến bản Sân Bay vào những ngày đầu mùa hạ, chúng tôi hỏi thăm gia đình anh Giàng A Khá mọi người trong bản ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi. Đi theo con đường bê-tông sạch đẹp đến giữa bản, chúng tôi ngỡ ngàng trước khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Khá được xây dựng quy củ, sạch sẽ.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi của gia đình, anh Khá cho chúng tôi biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trước đây, cũng như những hộ khác trong bản, anh chỉ làm ruộng, nương và nuôi vài con trâu, lợn. Năm nào thời tiết thuận lợi, ngô, lúa được mùa, vật nuôi không bị dịch bệnh thì gia đình anh cũng chỉ đủ ăn. Cuộc sống rất vất vả nên chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm giàu được. Tuy nhiên, năm 2017, trong một lần đi làm thợ hồ ở thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), anh Khá thấy nuôi dúi là mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu cao. Năm 2021, khi trở về địa phương, anh mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng xây chuồng trại chăn nuôi 20 cặp dúi bố mẹ ban đầu. Để đàn dúi sinh trưởng và phát triển tốt, anh Khá sang huyện Than Uyên để chọn mua con giống và đi học hỏi kinh nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi khác ở tỉnh Tuyên Quang, trở về áp dụng vào thực tế tại mô hình của gia đình mình.
Người dân xã Sin Suối Hồ đến học hỏi kinh nghiệm nuôi cầy vòi mốc của gia đình anh Khá.
Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, đến nay, gia đình anh đã mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi và phát triển đàn lên 50 cặp dúi bố mẹ, trên 100 con dúi thương phẩm. Cùng với đó, anh Khá còn nuôi 20 con cầy vòi mốc và tận dụng những khoảng đất trống quanh nhà trồng, chăm sóc gần 200 chậu địa lan. Hiện tại, anh Khá đã ký kết với một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Sa Pa đảm bảo đầu ra ổn định đối với đàn dúi và cầy vòi mốc thương phẩm. Còn địa lan của gia đình anh được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đầu tư đúng hướng, đến nay, mỗi năm gia đình anh Khá có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Anh Khá còn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể xã, người có uy tín, trưởng dòng họ tích cực vận động bà con trong bản, trong xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững. Mỗi khi có bà con đến học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, anh đều nhiệt tình hướng dẫn. Ngoài ra anh còn cung cấp 20 cặp dúi bố mẹ cho một hộ gia đình tại bản Chảng Phàng (xã Sin Suối Hồ) làm giống và chăn nuôi. Đồng chí Hoàng Văn Đại - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết: Mô hình chăn nuôi của hộ gia đình anh Giàng A Khá là mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao và có tác động rất tích cực đến tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn. Đây là cơ sở để cấp ủy, chính quyền nhân rộng ra toàn xã.
Vật nuôi của gia đình anh Giàng A Khá dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, không cần nhiều nhân công chăm sóc, ít bệnh tật, xoay vòng vốn nhanh và được xếp vào hàng đặc sản nên dễ tiêu thụ. Trong thời gian tiếp theo, anh Khá tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi thêm 200 cặp dúi bố mẹ, 40 con cầy vòi mốc và trồng thêm 200 chậu địa lan để đáp ứng nhu cầu của thị trường.