A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây địa lan trên đất vùng biên

Với người dân các xã trên địa bàn huyện Phong Thổ, từ bao năm nay, cây địa lan được ví như cây thoát nghèo của họ. Bởi vậy, bà con đã và đang tích cực Nhân rộng mô hình trồng loại cây này; không những để nâng cao thu nhập, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm địa lan của địa phương mà còn góp phần tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Trở lại Sin Suối Hồ - xã có nhiều địa lan nhất huyện Phong Thổ, chúng tôi được lãnh đạo xã đưa đi thăm một số mô hình trồng địa lan trên địa bàn. Mô hình đầu tiên, chúng tôi ghé thăm là của gia đình anh Giàng A Khá ở bản Sân Bay. Khi chúng tôi đề cập về cây địa lan, anh Khá phấn khởi khoe: nhờ cây địa lan mà gia đình tôi thoát được cảnh đói nghèo, có cuộc sống ấm no, khá giả như bây giờ. Tôi trồng cây này cách đây 10 năm rồi, từ những năm 2015-2018 là cho thu nhập đỉnh điểm trên 100 triệu/năm. Sau đó, do ảnh hưởng của khí hậu thời tiết mà cây bị bệnh; vợ chồng tôi tìm tòi cách chữa, làm theo hướng dẫn của cán bộ huyện. Nhờ đó mà năm vừa rồi cũng bán được hơn 20 triệu đồng. Bây giờ, gia đình đang chăm sóc khoảng 200 chậu địa lan nữa. Tích cóp tiền bán địa lan mà gia đình tôi mua sắm đồ dùng trong gia đình, có điều kiện để mở rộng chuồng trại, chăn nuôi dúi, cày hương.

Đến thăm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ vào thời gian này, chúng tôi và những du khách không chỉ được chiêm ngưỡng sắc xanh tươi mát của cây đào, sơn tra, cây lê, mận bao quanh nơi này mà còn đắm chìm trong vẻ đẹp đầy sức sống của những chậu địa lan dọc các ngõ bản. Những cành hoa đia lan trái mùa vàng rực rỡ được người dân mang ra chợ bán, hấp dẫn mọi ánh nhìn của khách du lịch.

Anh Nguyễn Thanh Bình - Du khách Vĩnh Phúc chia sẻ: Bản Sin Suối Hồ rất đẹp, phong cảnh nên thơ, hữu tình; con người thân thiện. Lần này đến với bản, chúng tôi được chiêm ngưỡng hoa địa lan rất đẹp. Chúng tôi vừa chụp ảnh với những bó hoa địa lan để làm kỷ niệm. Và rất mong, lần sau đến bản sẽ vào đúng dịp mùa hoa để chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều hơn vẻ đẹp chậu địa lan khi nở đầy hoa.

Cây địa lan đã và đang được Nhân dân xã Sin Suối Hồ chăm sóc, nhân rộng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ghé thăm vườn địa lan rộng hàng nghìn m2 của vợ chồng anh Dơ. Chúng tôi ngỡ ngàng trước sự hồi sinh của loài cây này sau thời gian bị sâu bệnh. Nếu như vào 2 năm trước, vườn địa lan của anh Dơ vàng úa, thiếu sức sống. Hôm nay, những chậu địa lan xanh mướt một màu, tràn trề nhựa sống.

Anh Dơ cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 900 chậu địa lan. Vừa rồi cũng được nhà nước hỗ trợ thêm mấy chục chậu nữa. Với đà phát triển tốt như hiện nay thì dự kiến cuối năm nay, gia đình tôi sẽ có khoản thu lớn từ cây địa lan này.

Dựa trên đánh giá tiềm năng về khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển cây địa lan, cùng với sự tích cực của người dân các xã, huyện Phong Thổ đã chủ động tận dụng nguồn vốn của Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh để hỗ trợ về cây giống cho bà con. Năm 2022, huyện đã hỗ trợ cho người dân được 16.000 chậu. Năm 2023, huyện tiếp tục hỗ trợ 20.000 chậu nữa.

Theo lời chia sẻ của đồng chí Trần Đức Phúc - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện: Mục tiêu phấn đấu của huyện là đến hết năm 2025, huyện sẽ hỗ trợ được 74.000 chậu địa lan cho người dân thông qua các chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp hàng hoá. Để tiến tới, đưa cây địa lan trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, giúp người dân tăng nguồn thu nhập. Song song với việc hỗ trợ giống, đơn vị tăng cường cử cán bộ xuống giúp đỡ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách nhân giống, chăm sóc, phòng bệnh để địa lan sinh trưởng, phát triển tốt.

Được biết, hiện tại, cây địa lan được nhân rộng ra các xã, gồm: Sin Suối Hồ, Lản Nhì Thàng, Hoang Thèn, Dào San, Mồ Sì San, Mù Sang. Toàn huyện phát triển trên 63.000 chậu địa lan. Đến thời điểm này, có các bản Sin Suối Hồ, Sân Bay (xã Sin Suối Hồ) và Tô Y Phìn (Lản Nhì Thàng) đã khai thác vẻ đẹp của cây địa lan để trang trí, tạo cảnh quan, thu hút hàng nghìn khách du lịch đến với bản mỗi năm. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của người dân cũng tăng theo thông qua các dịch vụ du lịch và bán các sản phẩm từ cây địa lan: cành hoa, cây giống, chậu hoa…

Có thể thấy rằng, với cách làm như hiện nay của Nhân dân và định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền, cây địa lan sẽ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng và chất lượng trên đất vùng biên của Phong Thổ. Từ đó, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 689
Tháng 11 : 5.425