Lai Châu phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ, để tăng thu nhập của người nông dân...; góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Là tỉnh miền núi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những đỉnh núi cao, như: Đỉnh Pu Ta Leng (3.049m), Tả Liên Sơn (2.996m), Bạch Mộc Lương Tử (3.046m), Pu Si Lung (3.083m), Phàn Liên San (3.012m), Pờ Ma Lung (2.967m); những cánh đồng ruộng bậc thang tuyệt đẹp như: Cánh đồng ruộng bậc thang ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, với tổng diện tích gần 200ha; cánh đồng ruộng bậc thang ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, với diện tích 400ha; đặc biệt là cánh đồng Mường Than với diện tích hơn 2.000ha lúa được nhắc đến trong câu ngợi khen một trong bốn cánh đồng đẹp bậc nhất Tây Bắc: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (ý chỉ 4 cánh đồng nổi tiếng Tây Bắc gồm: Mường Thanh (tỉnh Điện Biên), Mường Lò (tỉnh Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (tỉnh Sơn La); nằm ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, cánh đồng được mệnh danh là "viên ngọc quý" này không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn với vẻ đẹp bình dị của cuộc sống vùng nông thôn nơi miền sơn cước.
Hình ảnh: Cánh đồng Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu
Không những có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, mà nơi đây còn có khí hậu đa dạng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có chất lượng, giá trị kinh tế cao, bên cạnh đó Lai Châu còn có bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng của 20 dân tộc anh em cùng chung sống; phát triển du lịch nông thôn là hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhằm góp phần nâng cao mức sống, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn.
Năm 2020, tỉnh Lai Châu đã xây dựng Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025”; với mục tiêu tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua phát triển dịch vụ du lịch; giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; bước đầu đề án thực hiện thí điểm tại 11 bản của 11 xã bao gồm: Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Súi Hồ); bản Vàng Pheo (xã Mường So); bản Thẩm Phé (xã Mường Kim); bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa); bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng); bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình); bản Sà Dề Phìn (xã Xà Dề Phìn); bản Chang (xã Lê Lợi); bản Bó (xã Mường Tè); bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Lỏong nay là xã Sùng Phài).
Hình ảnh: Homestay của điểm du lịch Đồi Thông, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường
Sau gần 05 năm triển khai thực hiện, Lai Châu hiện có 14 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận tại khu vực nông thôn, gồm: bản Nam, bản Củng; bản Thẳm Phé (huyện Than Uyên); Bản Tả Phìn (huyện Sìn Hồ); Bản Vàng Pheo, Bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); Bản Chu Va 6, Bản Nà Luồng, Bản Hon, Bản Sì Thâu Chải, Bản Lao Chải 1, Bản Nà Khương, Bản Thẳm (huyện Tam Đường); Bản Gia Khâu 1, 2, Bản San Thàng (tp. Lai Châu).
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng nông thôn, nhằm khai thách tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương; tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân vùng nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.