A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch cộng đồng hướng đi bền vững trong xây dựng nông thôn mới

Lai Châu một điểm đến mới với những trải nghiệm vô cùng thú vị, không chỉ sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ. Đến với Lai Châu hôm nay, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, các nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào được bảo tồn và phát huy, du khách được thỏa đam mê khám phá, tìm hiểu văn hóa vùng cao, trải nghiệm cuộc sống giản dị mộc mạc của người miền núi qua những bản làng ẩn mình trong biển mây sau những dãy núi nhấp nhô…

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Tại Lai Châu, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5038/KH-UBND ngày 23/12/2023 về Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2025 với mục tiêu Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái tại các địa phương trong tỉnh,  nhằm  nâng cao chất lượng đời  sống  vật  chất,  tinh  thần  của người  dân  nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững. 

Sin Súi Hồ được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu Việt Nam”

Sin Súi Hồ được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu Việt Nam”, Ẩn mình trên lưng chừng núi Sơn Bạc Mây, cao hơn 1500m so với mực nước biển, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, có một bản làng cản sắc nên thơ tên Sin Suối Hồ nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ có nghĩa là "suối có vàng". Sin Suối Hồ hấp dẫn du khách không chỉ bởi bạt ngàn sắc hoa địa lan, hoa đào mỗi mùa xuân về, rừng thảo quả xanh mướt, cảnh quan Thác Trái Tim và khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm mà còn bởi nếp sống bình dị thân thiện, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người H’Mông từ lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục được điểm hoa văn tinh xảo, ẩm thực, kiến trúc nhà trình tường với những hàng rào đá cổ đến làn điệu dân ca, dân vũ...được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Chính những giá trị đó đã đưa Sin Suối Hồ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Lai Châu.

Bản Vàng Pheo là nơi sinh sống của 100% đồng bào là người Thái trắng

Bản Vàng Pheo có hơn 90 hộ với hơn 400 nhân khẩu, 100% đồng bào là người Thái trắng. Bản có vị trí địa lý đẹp, tựa mình vào núi Phu Nhọ Khọ, là nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm, được ví như một viên ngọc quý mà tạo hóa đã ban tặng cho con người nơi đây. Bất chấp dòng chảy thời gian, “ Hoa ban nở thành người con gái thái, áng mây bay bên thau nước gội đầu” văn hóa của người Thái trắng ở Vàng Pheo vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn từ những ngôi nhà sàn truyền thống đến những bộ váy của người phụ nữ Thái trắng được thiết kế cầu kỳ, váy khâu liền màu đen tuyền, dài chấm mắt cá chân, áo cóm chấm đến thắt lưng, cổ liền... Lễ hội văn hóa của người Thái ở Vàng Pheo là một trong những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh miêu tả đời sống xã hội, mang những nét đặc trưng truyền thống của đồng bào Thái xứ Mường So, tiêu biểu như các lễ hội: Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch)… trong các lễ hội ngoài các nghi thức lễ còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân như: tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy, tù lu… Đến Vàng Pheo hôm nay, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn được trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng với những điệu xòe không tuổi, ẩm thực độc đáo, những ngôi nhà sàn truyền thống đến những bộ áo cóm truyền thống của phụ nữ Thái trắng được thiết kế cầu kỳ, váy dài chấm mắt cá chân, áo chấm đến thắt lưng, cổ liền và tham gia vào những công việc thường nhật, sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác của người dân địa phương.

Lễ Tủ cải, còn gọi lễ Cấp sắc, một trong những nghi lễ quan trong nhất đánh dấu sự trưởng thành trong cuộc đời người đàn ông Dao 

Sì Thâu Chải là một bản làng đẹp của người Dao thuộc huyện Tam Đường, nằm ở độ cao 1.400m. Khi đứng ở đây, bạn có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Tam Đường với những cánh đồng lúa mênh mông và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Nếu đến Sì Thâu Chải vào mùa xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hai ven đường, bên mái hiên nhà tràn ngập sắc hồng ngọt ngào của hoa anh đào, pha lẫn sắc trắng tinh khôi của những bông hoa mận. Nếu đến vào mùa hè, du khách sẽ cảm nhận được mùi thơm từ những trái đào, trái mận và đến vào mùa đông du khách sẽ được đắm chìm trong biển mây mù. Mỗi mùa, Sì Thâu Chải lại khoác trên mình những sắc màu riêng. Đối với du khách yêu thích bộ môn du lịch mạo hiểm sẽ được xem và trải nghiệm bay dù lượn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thung lũng Tam Đường từ trên cao. Không chỉ vậy, Sì Thâu Chải còn hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa của người dân tộc Dao được gìn giữ nguyên vẹn từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, kiến trúc nhà ở và các lễ hội truyền thống như lễ hội Nhảy Lửa, lễ hội Tủ Cải … Đây là một nơi rất lý tưởng để du khách tìm về với sự nhẹ nhàng, bình yên, tránh xa những ồn ào của cuộc sống hiện đại. 

Bản Thẳm cách thành phố Lai Châu 10km là nơi sinh sống của 100% đồng bảo dân tộc Lự

Bản Thẳm là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Lự, cách thành phố Lai Châu 10km thuộc xã Bản Hon, huyện Tam đường. Bản có vị trí đẹp nằm ẩn mình giữa những vạt rừng xanh thơ mộng với mây mù bao phủ, bao quanh là những thửa ruộng bậc thang mênh mông lúa và thung lũng hoa quanh năm đua nhau khoe sắc. Ngoài cảnh đẹp, đây còn là nơi lưu giữ nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống dân tộc Lự như: kiến trúc nhà sàn, các lễ hội (Cúng trâu, cúng rừng, lễ cơm mới…), nghề dệt thổ cẩm với những bộ váy áo được điểm hoa văn tinh tế trên nền vải nhuộm chàm, ẩm thực địa phương và đến với nơi đây du khách còn được hòa mình vào những làn điệu dân ca, dân vũ do chính những chàng trai cô gái trong bản biểu diễn với các loại nhạc cụ (trống, chiêng, sáo mẹ, sáo con…) hoặc được thưởng thức ẩm thực do bà con dân bản chế biến…Đến với bản Thẳm, chắc chắn du khách sẽ còn muốn quay trở lại không chỉ bởi sự thân thiện của người dân nơi đây mà còn bởi vẻ đẹp bình yên, không khí trong lành của vùng đất này.

Nếu chọn Tây Bắc là điểm đến, thì Lai Châu chính là địa điểm lý tưởng để du khách trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng và chắc chắn nơi đây sẽ còn hấp dẫn du khách bởi những trải nghiệm thú vị khác. Hãy đến Lai Châu để được hòa mình vào thiên nhiên, văn hóa và ghi lại những thước phim đẹp về Tây Bắc./.


Tác giả: Đặng Văn Châu, Lương Hải Trang - VPĐPNTM
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 690
Tháng 11 : 5.426