Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm ocop. Bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ
Nhờ việc đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, khuyến khích chủ thể, người dân tham gia các chuỗi liên kết gắn với phát triển sản phẩm ocop và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến trong nông nghiệp áp dụng khoa học – công nghệ, tiêu biểu: mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, như 267,92 ha chè (VietGAP, hữu cơ, RA), nuôi lợn (VietGAP), nuôi cá nước lạnh VietGAP 9000 m3; 03 cơ sở được chứng nhận ISO (02 cơ sở chè và 01 cơ sở nấm đông trùng hạ thảo); nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất trong nhà màng, nhà lưới 42,9 ha; 21,06 ha hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến (chế biến chè công nghệ Nhật Bản, Đài Loan, chế biến miến dong, gạo). Bên cạnh đó, gắn mã vùng trồng cây ăn quả 4.000ha, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; xác lập quyền sở hữu trí tuệ 80 sản phẩm và áp dụng mã số, mã vạch cho 20 doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn như: áp dụng theo dõi mùa vụ, dịch hại cây trồng, theo dõi các hoạt động chăn nuôi, thủy sản; quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản; quản lý thủy lợi phòng chống thiên tai; cập nhật diễn biến rừng, cảnh báo sớm cháy rừng; cập nhật thông tin thị trường nông sản,...Tuy nhiên việc áp dụng khoa học công nghệ vào chuỗi sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đầu tư áp dụng chi phí cao, trong khi năng lực vốn và trình độ lao động của doanh nghiệp hạn chế; chính sách tín dụng cho khoa học công nghệ chưa đủ mạnh, khó thực hiện,...
Mô hình nhà màng, nhà lưới tại huyện Tân Uyên
Những khó khăn của tỉnh Lai Châu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP gồm:
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đủ lớn để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu, hơn nữa việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân vẫn gặp nhiều khó khăn,...
Trình độ lao động, bao gồm cả lao động kỹ thuật và lao động phổ thông còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, khó thu hút. Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại hết sức khó khăn. Hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh chưa được quan tâm và còn nhiều bất cập chưa đáp ứng nhu cầu.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp do giá thành sản xuất, chi phí bảo quản, vận chuyển cao, xa thị trường tiệu thụ, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Phần lớn sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, mẫu mã đơn giản, chưa có thương hiệu trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, thiếu bền vững. Việc áp dụng khoa học – công nghệ vào các khâu của chuỗi nhìn chung còn ít, khó áp dụng. Doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ và siêu nhỏ là chủ yếu.
Mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ tại Tam Đường
Để giải quyết những khó khăn trên, một số giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong thời gian tới cần:
Tăng cường và đổi mới hình thức truyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tạo sự đồng thuận trong hành động của toàn xã hội về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách (đặc biệt các chính sách đặc thù của địa tỉnh) và các chương trình hỗ trợ tập trung, trọng điểm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, nông nghiệp thông minh; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; nhất là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc trưng của địa phương để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiêp.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh Lai Châu phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với một số đối tượng cây trồng như: cây rau; cây chè; cây dược liệu; cây hoa...
Tích cực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc trưng của địa phương để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.