Giải pháp hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt.
Giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện 04 xã nông thôn mới nâng cao: xã San Thàng- TP Lai Châu; xã Phúc Khoa - huyện Tân Uyên, xã Pha Mu - huyện Than Uyên và xã Bản Bo - huyện Tam Đường: Kết quả thực hiện đến hết năm 2024 như sau:
Xã Phúc Khoa: Thực hiện đạt 15/19 tiêu chí, gồm các tiêu chí: 2. Giao thông; 3. Thủy lợi và phòng chống thiên tai; 4. Điện; 5. Giáo dục; 6. Văn hóa; 7. Cơ sở hạ tầng thương mại; 8. Thông tin và Truyền thông; 9. Nhà ở dân cư; 10. Thu nhập; 11. Nghèo đa chiều; 12. Lao động; 15. Hành chính công; 16. Tiếp cận pháp luật; 17. Môi trường; 18. Chất lượng sống.
Xã Pha Mu: Thực hiện đạt 16/19 tiêu chí, cụ thể: 3. Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4. Điện; 5. Giáo dục; 6. Văn hóa; Tiêu chí số 7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8. Thông tin và truyền thông; 9. Nhà ở dân cư; 11. Nghèo đa chiều; 12. Lao động; 13. Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 14. Y tế; 15. Hành chính công; 16. Tiếp cận pháp luật; 17. Môi trường; 18. Chất lượng môi trường sống; 19. Quốc phòng và an ninh).
Xã Bản Bo: Thực hiện đạt 16/19 tiêu chí, bao gồm: Tiêu chí 1. Quy hoạch; 3.Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4. Điện; 5 .Giáo dục; 6. Văn hóa); 7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8. Thông tin và truyền thông; 9. Nhà ở dân cư; 12. Lao động; 13. Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn;14. Y tế; 15. Hành chính công; 16. Tiếp cận pháp luật; 17. Môi trường; 18. Chất lượng môi trường sống; 19. Quốc phòng và An ninh.
Xã San Thàng: Thực hiện đạt 15/19 tiêu chí gồm các tiêu chí: 3. Thủy lợi và phòng chống thiên tai; 4. Điện; 5. Giáo dục; 7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8. Thông tin và Truyền thông; 9. Nhà ở dân cư; 10. Thu nhập; 11.Tỷ lệ nghèo đa chiều; 12. Lao Động; 13. Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 14. Y tế; 15. Hành chính công; 16. Tiếp cận pháp luật; 18. Chất lượng môi trường sống; 19. Quốc phòng và An ninh.
Người dân xã Phúc Khoa - Huyện Tân Uyên tập trung sản xuất chè theo hướng tăng giá trị kinh tế nông thôn
Sau khi các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch Kế hoạch số 1050/KH-UBND ngày 25/3/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu năm 2024; Kế hoạch 1556/KH-UBND ngày 25/4/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2024; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 17/4/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 và đã phân công, phân nhiệm rõ ràng. Do đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị được đảm bảo theo chức năng nhiệm vụ theo quy định.
Bên cạnh thuận lợi, tỉnh cũng gặp cũng không ít khó khăn bởi các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình từ Bộ, ngành đôi khi còn chậm; một số vướng mắc, khó khăn từ địa phương trong quá trình thực hiện kiến nghị bộ, ngành Trung ương đôi khi chậm xem xét, hướng dẫn; một số hướng dẫn triển khai chương trình từ các Bộ, ngành còn chậm ban hành, do đó, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, Tỉnh Lai Châu đưa ra nhiều giải pháp quan trọng bao gồm:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở cấp cơ sở, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện. Các sở ngành, địa phương cần nhận thức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân. Tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh rà soát mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 để chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện, xã, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo,... nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự,... Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới. Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,… để đầu tư vào khu vực nông thôn.
Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, ấp; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực.
Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Ưu tiên vốn đầu tư cho các hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng liên thông nông thôn - đô thị; hạ tầng về xử lý môi trường; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin… Tăng cường phát triển đô thị ven đô theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đưa nông nghiệp ven đô trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời với nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để xác định, lựa chọn các địa phương có tiềm năng hoàn thành sớm công tác đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn, góp phần chung vào nhiệm vụ sớm được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vào năm 2025.
Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn…/