Định hướng không gian phát triển nông nghiệp huyện Tam Đường đến năm 2040
Nhằm hoàn thiện tiêu chí quy hoạch trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, ngày 30/12/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tam Đường.
Theo Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 30/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về Phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đến năm 2040.
Về Phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung:
Duy trì, nâng cao chất lượng của 600 ha lúa hàng hóa tại các xã Bình Lư (175 ha), Bản Bo (60 ha), Thèn Sin (60 ha), Hồ Thầu (100 ha), Tả Lèng (85 ha) và thị trấn Tam Đường (120 ha). Đến năm 2040, quy hoạch vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao 300 ha tại các xã: Bình Lư, Bản Bo, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường. Phát triển vùng chè tại các xã Bản Bo, Nà Tăm, Khun Há, Sơn Bình, Thèn Sin… bảo vệ, chăm sóc, thâm canh diện tích chè đã có, đồng thời bảo tồn, khai thác hiệu quả 4.328 cây chè cổ thụ hiện có và 65 ha chè cổ thụ đã được trồng mới. Trồng mới 400 ha chè, nâng diện tích chè tập trung toàn huyện lên trên 2.200 ha. Đến năm 2040, duy trì diện tích chè trên 2.200 ha. Bảo tồn, khai thác hiệu quả 4.328 cây chè cổ thụ hiện có và 65 ha chè cổ thụ đã được trồng mới. Trồng mới 290 ha mắc ca tập trung và xen chè tại các xã: Bản Bo, Khun Há, Thèn Sin, Bản Hon… Nâng tổng diện tích trên 1.002 ha. Đến năm 2040, duy trì diện tích mắc ca 1.002 ha. Duy trì ổn định diện tích 250 ha. Cây ăn quả ôn đới: Duy trì, phát triển 310 ha tại các xã Giang Ma, Nùng Nàng, Khun Há, Sơn Bình, Hồ Thầu và Trồng mới 100 ha. Nâng tổng diện tích lên 370 ha tại các xã trên địa bàn huyện.
Ảnh: Vùng trồng cây chanh leo tập trung tại xã Sơn Bình
Đồng thời, trồng mới 700 ha cây Sâm Lai Châu tại các xã: Khun Há, Giang Ma, Hồ Thầu, Tả Lèng và một số xã khác có điều kiện; 50 ha cây dược liệu khác như: Đương quy, đẳng sâm, thất diệp nhất chi hoa,…; duy trì 1.531 ha cây thảo quả. Định hướng phát triển vành đai rau màu, cung cấp thực phẩm cho thành phố Lai Châu và các vùng lân cận khoảng 320 ha; diện tích rau chuyên canh và rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 30 ha, tại thị trấn Tam Đường và các xã: Bình Lư, Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng và một số xã có điều kiện. Hình thành vùng sản xuất rau màu công nghệ cao tập trung: Đến năm 2025 là 03 ha tại các xã Bình Lư, Giang Ma, Hồ Thầu và thị trấn Tam Đường để phát triển các mô hình trồng rau các loại, trồng dưa,… trong nhà màng, nhà lưới. Giai đoạn 2026-2030 là 30 ha, đến năm 2040 là 50 ha.
Mô hình nuôi cá nước lạnh thu lại hiệu quả kinh tế chi người dân huyện Tam Đường
Đối với lĩnh vực chăn nuôi thú y: tiếp tục củng cố những cơ sở chăn nuôi hiện có. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn. Phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung tại các xã: Thèn Sin, Bản Hon, Bình Lư, thị trấn Tam Đường. Tổng đàn trâu khoảng 7.500 con; đàn bò khoảng 300 con; đàn ngựa khoảng 800 con. Chăn nuôi lợn tập trung: Phát triển chăn nuôi lợn tập trung tại xã Thèn Sin, Bản Giang, Bản Hon, Bình Lư, Nà Tăm. Đến năm 2040, tổng đàn lợn khoảng 35.000 con. Nuôi ong: Duy trì, phát triển trên 4.000 đàn ong được nuôi tập trung, nuôi thả theo hướng có kiểm soát, an toàn sinh học. Duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản 255 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh khoảng 39.000 m3. Xây dựng 01 cơ sở sản xuất con giống thủy sản (cá nước lạnh) tại xã Sơn Bình. Khuyến khích áp dụng các quy trình VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm cá hồi, cá tầm Tam Đường. Đến năm 2030, đầu tư đường giao thông vào các khu nuôi các nước lạnh tập trung. Đến năm 2040, tiếp tục duy trì diện tích thủy sản.
Về lĩnh vực lâm nghiệp: Tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng cường khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; khai thác hiệu quả lâm sản phụ, bảo vệ các loài dược liệu quý phân bố tự nhiên như sâm Lai Châu, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa. Tập trung khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đạt 3.500 ha (khoanh nuôi chuyển tiếp 2.100 ha; khoanh nuôi mới 1.400 ha); thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, liên kết với người dân để trồng rừng cây gỗ lớn có giá trị (trồng mới 500 ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,82% đến năm 2025; đạt 52,82% đến năm 2030; đạt trên 55% đến năm 2040.
Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung
Xây dựng tại các xã Bản Bo, Bình Lư, Giang Ma. Đến năm 2025 thu hút đầu tư 01 mô hình, đến năm 2030 có 02 mô hình trồng rau trong nhà lưới và tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2040. Xây dựng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của huyện:
Đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu nâng hạng các sản phẩm lên 5 sao đến năm 2040 gồm: 08 sản phẩm nông nghiệp (06 sản phẩm chè, 01 sản phẩm miến dong Bình Lư, 01 sản phẩm làm từ Sâm Lai Châu); 01 sản phẩm 4 sao (sản phẩm miến dong Bình Lư).
Đến năm 2025 xây dựng cho 06 sản phẩm (các sản phẩm chè), đến năm 2040 xây dựng các sản phẩm: Miến dong, các sản phẩm từ Sâm Lai Châu có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đến năm 2025 xây dựng chỉ dẫn địa lý cho 02 sản phẩm chủ lực (Chè Tam Đường) và đến năm 2040 xây dựng 02 sản phẩm chủ lực (Miến dong Bình Lư, Sâm Lai Châu). Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Xây dựng 02 trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn tại tiểu vùng phía Tây Bắc (tại xã Giang Ma) và tiểu vùng phía Nam (tại xã Bản Bo) với quy mô từ khoảng 5-10 ha/trung tâm, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phục vụ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn huyện, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở chế biến hiện có, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ 4-5 cơ sở chế biến nông sản.
Với định hướng không gian phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất canh tác, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực. Phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/ha/năm đối với đất trồng trọt; 280-330 triệu đồng/ha/năm với mặt nước nuôi trồng thủy sản; giá trị tăng thêm ngành chăn nuôi từ 8-10%/năm; góp phần xây dựng nông thôn mới của huyện hiệu quả và bền vững.