Tà Mung về đích nông thôn mới
Với sự hỗ trợ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện Than Uyên, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay của nhân dân các dân tộc, đến nay xã Tà Mung đã cán đích chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hoàn thành 19/19 tiêu chí. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn; đời sống người dân ngày càng nâng cao rõ rệt.
Tà Mung là xã vùng cao của Than Uyên, cách trung tâm huyện 25km. Toàn xã có 11 bản với 798 hộ dân, trên 4.700 nhân khẩu với 2 dân tộc Thái, Mông cùng sinh sống. Xuất phát điểm từ khi có chương trình xây dựng NTM, Tà Mung là xã đặc biệt khó khăn ở Than Uyên. Trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, quanh năm hộ dân chỉ biết cấy lúa, trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo đời sống hàng ngày theo hình thức “tự cung, tự cấp; nhiều hủ tục, cặp tảo hôn; điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt…dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước thực trạng đó, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể xã xác định “NTM là bài toán khó” đối với địa phương. Để triển khai có hiệu quả chương trình cần nguồn lực đầu tư rất lớn từ Đảng, Nhà nước; sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng uỷ, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội; nhất là sự đồng tình, chung tay, góp sức của nhân dân các bản.
Người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp
Chia sẻ với chúng tôi, ông Sùng A Sa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung cho biết: Để giải được bài toán này, xã xác định thực hiện theo phương châm “tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau”. Tiêu chí nào cần nguồn lực lớn như giao thông, thuỷ lợi, điện; cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà văn hoá…chúng tôi đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành bố trí kinh phí thực hiện. Những tiêu chí cần sức mạnh nội lực trong nhân dân như: môi trường, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh…xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tham gia trên tinh thần “mưa dầm thấm lâu”. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hô dân trong vai trò là chủ thể của chương trình xây dựng NTM, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả.
Trên cơ sở đó, từ nguồn lực của Nhà nước, tỉnh, huyện, xã Tà Mung quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đường nội bản, liên bản, đường sản xuất vùng chè; kênh mương thuỷ lợi; xây dựng nhà văn hoá các bản có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên làm trước những công trình cấp thiết. Vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, hiến đất, góp công để mở rộng đường giao thông, làm nhà văn hoá.
Cùng với đó, cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, đưa các giống cây trồng phù hợp có năng suất, giá trị kinh tế cao như: chè, chanh leo, đào chín sớm, lê vào gieo trồng; chăn nuôi theo hướng hàng hoá thị trường. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu xây dựng các mô hình kinh tế mới. Qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Người dân được tuyên truyền về bảo tồn phát huy truyền thống của người dân, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa bản địa
Phát huy sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong việc tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhằm đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường; bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc.
Anh Mùa A Chú ở bản Tu San phấn khởi, chia sẻ: Nghe cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động, vợ chồng tôi chuyển đổi đất trồng ngô sắn kém hiệu quả sang trồng chè. Đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn; làm máy xay xát, buôn bán hàng tạp hoá. Trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt luôn được cán bộ huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Nhờ đó cây chè của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển rất tốt; đàn lợn, gia cầm không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình xuất hơn 3 tấn lợn. Hiện nay, gia đình đang nuôi 70 con lợn, trồng gần 1ha chè, ngô, lúa. Bình quân tổng thu nhập một năm hơn 100 triệu đồng. Đời sống khá giả hơn trước, không còn lo đói khổ nữa.
Được biết, đến nay, toàn xã Tà Mung đang vận động, đôn đốc nhân dân chăm sóc, bảo vệ hơn 338ha chè, trên 86ha cây ăn quả; duy trì sản xuất cây lương thực 733ha; thâm canh, tăng vụ trồng 100ha rau, đậu, khoai các loại; phát triển đàn vật nuôi gần 28.000 con; mở rộng kinh doanh dịch vụ thương mại với việc duy trì hoat động chợ phiên Tà Mung vào 2 ngày trong tháng…
Cùng với đó, xã tập trung củng cố hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm phát triển đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số khối nông thôn; xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Bằng nhiều giải pháp được triển khai, đến nay xã Tà Mung đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Toàn xã có 95,66% đường bản, liên bản được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 81,18% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm; 100% hộ có nhà ở kiên cố; 82,33% số hộ có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sin; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia. Năm 2024, trên địa bàn có 11/11 bản đạt danh hiệu văn hoá, 745 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 12,83%.