Nông thôn mới ở San Thàng 10 năm đổi mới và phát triển
Trong những năm qua, tuy phải đương đầu với không ít khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân xã San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chung sức, chung lòng, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn xã. San Thàng vinh dự trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Lai Châu cán đích xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã San Thàng đã có nhiều đổi thay, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức của người dân trong việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn đã được nâng lên, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của xã.
Đến San Thàng hôm nay, được đặt chân đi trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên nhà cửa mọc lên san sát sẽ cảm nhận rõ hơn những đổi thay đó. Với 9 bản, 6 dân tộc, trên 1.300 hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, với trình độ dân trí không đồng đều; đến cuối năm 2023 thu nhập bình quân của mỗi người dân trên địa bàn xã đã đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tuy chưa phải là cao nhưng đối với một xã vùng cao, còn gặp khó khăn trong lao động sản xuất thì đây là một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và người dân xã San Thàng.
Sau khi thực hiện chương trình nông thôn mới đời sống tinh thần người dân được nâng lên
Tuyên truyền vận động luôn song hành
Triển khai chương trình nông thôn mới từ năm 2011, xác định công tác tuyên truyền, vận động là bước đi đầu tiên, quan trọng, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, về chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhằm quán triệt tới toàn thể nhân dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời phổ biến tới nhân dân nắm được 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, và tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao nêu rõ những việc Nhà nước đầu tư hỗ trợ và những nội dung công việc bản và nhân dân thực hiện, những tiêu chí còn thấp; triển khai công bố Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới đã được UBND Thành phố phê duyệt để nhân dân biết, thực hiện; triển khai và huy động nhân dân tham gia thực hiện các nội dung công việc theo đề án đã được phê duyệt.
Cán bộ thôn bản và nhân dân xã tham gia góp công làm đường giao thông nông thôn
Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã tổ chức được hơn 15 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 1000 lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ cấp xã và các thôn, bản. Tổ chức các hội thi, hội thảo chủ đề về xây dựng NTM với nhiều nội dung phong phú; cấp phát 300 cuốn thông tin Nông dân Lai Châu, “Sổ tay tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới”; 5000 tờ rơi, 1000 pa nô, áp phích và các băng rôn khẩu hiệu trên địa bàn tuyên truyền trên các tuyến đường, trung tâm thôn, xã. Xây dựng một số pano cố định trên địa bàn xã.
Được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, sự đóng góp của nhân dân từ năm 2011 đến nay các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho xã gồm: vốn của các Chương trình MTQG, nguồn vốn xây dựng cơ bản, vốn làm đường GTNT, nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, vốn hỗ trợ sản xuất,... để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã, với tổng số vốn là: 141,07 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn Nhà nước hỗ trợ (lồng ghép các dự án): 112,33 tỷ đồng
- Vốn Chương trình MTQG XDNTM: 8,42 tỷ đồng
- Vốn khác (vốn ngành điện lực, vốn Danida, DN): 12,96 tỷ đồng
- Vốn cộng đồng (dân góp vật liệu, công LĐ, hiến đất): 7,36 tỷ đồng.
Do sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trên đã góp phần đưa cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã đi vào hoàn thiện phát huy giá trị sử dụng cho phát triển kinh tế nông thôn
Đáng chú ý, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mạng lưới giao thông nông thôn của San Thàng nhanh chóng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt và lao động sản xuất.
Nhân dân tham gia làm đường nội bản
Hiện xã có trên 19,5 km đường giao thông nội đồng mở mới do nhân dân hiến đất; 100% đường nội bản được cứng hóa bê tông do nhà nước và nhân dân cùng làm; 95% hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố. 100% các trục đường chính tại các bản được đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng.
Bên cạnh đó, San Thàng xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển y tế, văn hóa, giáo dục trên địa bàn. Các trường học trên địa bàn được đầu tư khang trang cơ sỏa vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay trên toàn xã có 2/3 trường đạt trường chuẩn quốc gia mực độ 1, 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2... xã còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đưa con em đến trường, duy trì phổ cập trung học sơ sở, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Năm 2023 trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu khám bệnh của nhân dân
Ngoài ra, hệ thống nhà văn hóa bản thường xuyên được bảo quan tâm sửa chữa. Đến hết năm 2023, toàn xã có 9/9 bản có nhà văn hóa góp phần đáp ứng nhu cầu nơi sinh hoạt hội họp của nhân dân tại các bản trong xã; đầu tư nâng cấp thêm 3 đường nước sinh hoạt với tổng chiều dài gần 7000m đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân, đến nay có 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Bên cạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, San Thàng xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố then chốt, để xây dựng nông thôn mới thành công.
Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, bước đầu trên địa bàn xã đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất rau xanh tập trung tại bản khu vực bản Séo Xin Chải, Thành Công, San Thàng 2 với quy mô trên 70 ha; vùng sản xuất hoa tại bản San Thàng; vùng cây ăn quả có múi bản Lò Suối Tủng trên 40 ha; vùng nuôi trồng thuỷ sản, trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm tại bản Lò Suối Tủng, Phan Lìn và khu vực Bãi Đông; vùng nguyên liệu chè trên 200ha... Hiện nay, xã đang triển khai mô hình thâm canh lúa Tẻ dâu tại cánh đồng Can Hồ, Lùng Than với quy mô 70ha.
Cùng với đó, San Thàng tích cực huy động nhân dân đẩy mạnh sản xuất thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất. Nhờ đó, đến nay diện tích sản xuất tăng vụ trên địa bàn xã tăng từ 50 ha (năm 2010) lên trên 300 ha. Đồng thời, cơ bản phương thức sản xuất của nhân dân trong xã đã thay đổi, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 9,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 tăng lên 55 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 1.8%.
Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã San Thàng khẳng định: Thành quả hôm nay của San Thàng được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đó là động lực để chính quyền và nhân dân chúng tôi tiếp tục phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới, phấn đấu xã San Thàng đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025./.