Lai Châu hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng tầm diện mạo nông thôn mới
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối giữa nông thôn với đô thị và giữa các vùng miền trong tỉnh. Nhờ đó, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025, diện mạo nông thôn Lai Châu ngày càng đổi mới, khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Những con đường bê tông rộng mở không chỉ tạo điều kiện đi lại, lưu thông hàng hóa mà còn góp phần kết nối, rút ngắn khoảng cách vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (hình ảnh làm đường giao thông nội bản của xã Nà Tăm - nay là xã Bản Bo)
Giao thông – Mạch máu của phát triển
Tỉnh Lai Châu đã ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn với phương châm “giao thông đi trước mở đường”. Đến nay, toàn tỉnh có 06 tuyến quốc lộ dài gần 500 km, 10 tuyến đường tỉnh dài hơn 540 km và gần 6.000 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 91%, đường xã trên 64%, đường thôn bản và dân sinh trên 59%.
Đặc biệt, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99% thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Những con đường bê tông rộng mở không chỉ tạo điều kiện đi lại, lưu thông hàng hóa mà còn góp phần kết nối, rút ngắn khoảng cách vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Kết quả này giúp 64/94 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.
Thủy lợi – Đảm bảo chủ động cho sản xuất nông nghiệp
Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư đồng bộ. Tỉnh hiện có 1.005 công trình thủy lợi, trong đó 934 công trình kiên cố, 06 hồ chứa lớn và hàng nghìn tuyến kênh mương với tổng chiều dài hơn 2.300 km. Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt gần 80%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt gần 99%. Với kết quả nổi bật này, 89/94 xã đã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi – tạo nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững.
Điện chiếu sáng được đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho người dân khu vực nông thôn - Mô hình điện chiếu sáng năng lượng của Tỉnh đoàn Lai Châu
Điện – Thắp sáng vùng quê, phục vụ phát triển toàn diện
Hạ tầng điện nông thôn được đầu tư hiện đại, an toàn và đồng bộ. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.200 km đường dây trung áp, 1.364 trạm biến áp, gần 2.000 km đường dây hạ áp, cung cấp điện lưới quốc gia cho 100% xã, hơn 98% thôn bản và hơn 96% hộ dân. 90/94 xã đã đạt tiêu chí số 4 về điện. Điện lưới đã thực sự “thắp sáng” đời sống người dân, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, học tập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Giáo dục và văn hóa – Không ngừng nâng cao chất lượng
Cùng với phát triển hạ tầng kinh tế, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất giáo dục và văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 336 trường học với hơn 150.000 học sinh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia dự kiến đạt gần 70% vào cuối năm 2024. Hệ thống nhà văn hóa xã, thôn được xây dựng và nâng cấp: 90/94 xã và 749/836 thôn bản đã có nhà văn hóa, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, có 72 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học và 53 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.
Hạ tầng thương mại, thông tin – truyền thông phát triển toàn diện
Tỉnh đã hoàn thiện hệ thống chợ an toàn thực phẩm cấp xã, trung tâm thương mại nông thôn, chợ đầu mối… với 94/94 xã đạt tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn. Hạ tầng thông tin – truyền thông cũng đạt bước tiến vượt bậc: 100% xã có điểm bưu chính, cáp quang phủ đến 100% xã, 2.104 trạm phát sóng di động phủ khắp địa bàn, 89 xã đạt tiêu chí số 8.
Hệ thống công nghệ thông tin được đưa vào ứng dụng tại cấp xã, góp phần đổi mới phương thức quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Nước sinh hoạt – Cải thiện đáng kể chất lượng đời sống
Tỉnh đã đầu tư xây dựng 810 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó hơn 437 công trình đang hoạt động hiệu quả, phục vụ cho trên 78.000 hộ dân với gần 376.000 nhân khẩu. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 91,5%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng – Bệ phóng cho nông thôn mới nâng cao
Với những kết quả nổi bật trong phát triển kết cấu hạ tầng, đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã có 39 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 44 xã đạt 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí Nông thôn mới quốc gia, 10 bản đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của tỉnh. Những con số biết nói đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong chặng đường phía trước giai đoạn 2026–2030, Lai Châu tiếp tục tập trung nguồn lực, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nông thôn Lai Châu phát triển toàn diện, văn minh, xanh – sạch – đẹp và đáng sống./.