A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Lai Châu

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua tỉnh Lai Châu đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao; Đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại cho tỉnh.

 

Áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa

Lai Châu là một tỉnh có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển nông nghiệp, bên cạnh đó, Lai Châu còn được đánh giá là một trong những tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đứng đầu cả nước. Chính vì sự nhận thức đúng đắn về vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế mà những năm qua cấp ủy, chính quyền tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua được tỉnh định hướng vào phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, thực hiện tốt các mô hình khuyến nông, tổ chức trồng thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi; tổng kết, đánh giá để tìm ra các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu và trình độ canh tác, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp. Nhờ có tiến bộ khoa học và kĩ thuật, mô hình nhân giống lúa chất lượng cao đang được thực hiện liên tục qua các năm, góp phần cung cấp giống lúa chất lượng tốt cho sản xuất đại trà. Nông dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong chăn nuôi có thể tạo thêm nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ năm 2008 đến hết năm 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện 82 đề tài, đề án; 706 mô hình nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất tới người nông dân. Năm 2022, Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; xây dựng 11 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao 15 quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho Nhân dân, triển khai các lớp tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất và kết hợp sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như tin, bài, phóng sự, tờ rơi … để phổ biến kiến thức cho người nông dân.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp việc thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Thổ giảm khoảng 7-10% chi phí. Ảnh: Đình Thùy-TTXVN 

Công tác đào tạo nghề cho người nông dân cũng rất được tỉnh quan tâm, chú trọng; hệ thống trường dạy nghề được mở rộng, chủ động triển khai liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề của Trung ương để đào tạo nghề, tập trung vào các ngành trồng trọt, chăn nuôi; gắn công tác dạy nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng dần qua từng năm (năm 2008 là 21,3%, đến năm 2017 đạt 44,4%, tăng 23,1 điểm %, năm 2021 đạt 51,2%, tăng 6,8 điểm %).

Tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đào tạo, nâng cao tay nghề của người nông dân đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó việc cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng được tỉnh xác định là bước tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, Lai Châu đã tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động và góp phần thay đổi nhận thức sản xuất của nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Để làm tốt điều đó, Lai Châu đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2025, Lai Châu ban hành các nghị quyết, quyết định về quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quy định chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học, công nghệ...

Đến nay, diện tích gieo trồng các loại cây nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 70% trong đó tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất trong trồng lúa tại các vùng hàng hoá tập trung đạt trên 90%; tỷ lệ cơ giới hóa bằng máy tuốt 26,64% và trong khâu xay xát đạt 54%, tưới tiêu chủ động 41,32 % phun thuốc BVTV 27,44 %, tuốt đập tẽ hạt 23,6 %, sấy 12,8 %. Trong chăn nuôi, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất giống đạt 0,9%, chế biến phối trộn thức ăn 2,2%, cung cấp thức ăn nước uống cho vật nuôi 1,77%, xử lý chất thải trong chăn nuôi 2,15%. Trong nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu chế biến thức ăn đạt 4,91%, vệ sinh ao đầm 0,81%, sơ chế bảo quản thủy sản 1,21%, thu hoạch sản phẩm 1,6%.

Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh vùng cao, nhiều đồi núi, địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, đất sản xuất manh mún, rải rác, cùng với đó là giao thông đi lại tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn nên thực hiện cơ giới hóa ở Lai Châu còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung trong khâu làm đất, khâu gieo trồng mới chỉ chiếm 0,3 %, khâu thu hoạch (gặt đập liên hợp) mới chiếm hơn 1,27%. Đối với các cây trồng trên nương về cơ bản là vẫn chưa thể áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, cây rau màu, cây ăn quả… mức độ áp dụng cơ giới hóa cũng rất hạn chế.

Nông dân xã Mường So, huyện Phong Thổ sử dụng máy tuốt lúa nhằm giảm sức người trong lao động. Ảnh: Đình Thùy-TTXVN

Để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ giới hóa vào sản xuất. Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, các xã thiếu nguồn lao động; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, chú trọng nghề sửa chữa máy móc thiết bị trong công nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vào địa bàn đầu tư phát triển cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Nông nghiệp của tỉnh hiện còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, do đó tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) gia tăng gây thiệt hại rất lớn cho nền nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, do ảnh hưởng của BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng ra tăng và diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông - lâm nghiệp. Rét đậm, rét hại, sương muối, khô hạn làm cây trồng kém phát triển, nhiều vật nuôi bị chết rét; tần suất mưa, lượng mưa gia tăng vào mùa hè, nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất, vùi lấp hoa màu, phát sinh dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 đợt thiên tai (02 đợt rét đậm, rét hại, 12 đợt mưa đá, dông, lốc, mưa lớn) đã gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Để kịp thời ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan, tỉnh luôn tổ chức ứng trực 24/24 giờ khi có diễn biến thời tiết bất thường xảy ra để nắm bắt tình hình thiên tai và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. UBND các huyện, thành phố chủ động huy động các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dân quân xung kích cấp xã, tham gia tìm kiếm, cứu nạn người mất tích, kịp thời động viên, hỗ trợ và giúp đỡ gia đình có bị nạn. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động, khẩn trương tổ chức di chuyển, sơ tán các hộ dân nằm trong khu vực cao xảy ra thiên tai đến nơi an toàn và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, huy động các lực lượng giúp đỡ người dân sửa chữa nhà, lợp lại mái đảm bảo ổn định cuộc sống; hót, dọn sụt sạt thông tuyến kịp thời đảm bảo giao thông thông suốt …

Những năm qua, ngành nông nghiệp Lai Châu đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với BĐKH, ứng phó với thiên tai. Ngành đã chủ động hướng dẫn, khuyến cáo người nông dân sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu mùa vụ, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường... Ưu tiên nghiên cứu phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với BĐKH để nâng cao giá trị; phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp, chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi công nghệ cao và khép kín; phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với BĐKH.

Tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Kế hoạch thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Lai Châu xác định các nhóm nhiệm vụ:  Quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ yêu cầu phát triển bền vững; tăng cường bảo vệ môi trường ở nông thôn; chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; kiên quyết không chấp thuận đầu tư, cấp phép, triển khai các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với BĐKH, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án chống biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án quản lý, vận hành hồ chứa phục vụ chống hạn, chống lũ; rà soát các khu vực có nguy cơ tai biến địa chất, bố trí sắp xếp lại dân cư các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất khi mưa, lũ; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai; chủ động đối phó và khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ.


Tác giả: Văn phòng điều phối Nông Thôn mới tỉnh Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới

Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống ...
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 670
Tháng 03 : 5.365