A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản phẩm OCOP – sinh lực mới của nông nghiệp Lai Châu

      Là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển nông lâm nghiệp, Lai Châu nổi tiếng với rất nhiều nông sản chất lượng, giá trị cao, mang hương vị  riêng của vùng đất biên giới như gạo Séng cù, các sản phẩm từ trà, sâm Lai Châu, miến dong Bình Lư; các loại dược liệu quý của Cao nguyên Sìn Hồ …Thời gian qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thực sự đã mang sinh lực mới đến cho nông nghiệp Lai Châu để nông sản Lai Châu đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhiều tiềm năng để phát triển các sản phầm OCOP

 Lai Châu - mảnh đất Tây Bắc với 20 dân tộc anh em sinh sống ẩn mình trong đại ngàn núi rừng, bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, được thiên nhiên ban tặng những món quà vô giá như khí hậu trong lành, mát mẻ với 3 đới khí hậu rõ rệt; cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Lai Châu có diện tích lớn thứ 10 của cả nước trong đó diện tích đất nông nghiệp là hơn 526.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh. Những năm qua, Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là trọng điểm để phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Nông dân xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) thu hái chè. Ảnh tư liệu

Với lợi thế về đất đai và khí hậu, Lai Châu đã chủ động phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho một số sản phẩm chủ lực như chè (trên 9.00ha), mắc ca (trên 5.600ha), cây ăn quả (trên 8.200)ha. Đứng đầu các sản phẩm đạt OCOP phải nói đến các sản phẩm được chế biến từ chè, với sản lượng chè búp tươi đạt 44.000 tấn, sản lượng chè khô đạt khoảng 10.000 tấn/năm. Sản phẩm chè của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Đông, Nam Á, Đài Loan. Song song với việc phát triển các vùng cây trồng lâu năm, Lai Châu cũng chủ động xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung trên địa bàn 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường với nhiều loại gạo đặc sản địa phương như Séng cù, Tẻ râu, Nếp Tan co giàng, gạo Khẩu ký....Tính đến nay, rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh Lai Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu như “Chè Tam Đường” ,“Chè Than Uyên”., “Gạo séng cù than uyên”...

 

Mô hình nuôi ong của HTX thanh niên Pha Mu - sản phẩm ocop 3 sao của tỉnh

OCOP giúp người dân thoát nghèo, làm giàu bền vững

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ năm 2019 theo Quyết định 836/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh Lai Châu. Sau 4 năm thực hiện, tỉnh Lai Châu đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng mang nét đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Qua đó, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để đưa các nông sản vươn ra thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Ngay từ những ngày đầu triển khai, chương trình OCOP ở Lai Châu đã được cả hệ thống chính trị trong tỉnh vào cuộc, tạo động lực, sức lan tỏa lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có tổng số 158 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: có 147 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao (trong các sản phẩm 4 sao có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Hội đồng Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đánh giá: Sản phẩm Trà OLong và Trà Đông Phương Mỹ Nhân của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường). Những sản phẩm mang thương hiệu của Lai Châu đã được công nhận sản phẩm OCOP phải kể đến các sản phẩm được làm từ trà, các loại thịt lợn - trâu gác bếp, các loại rượu, gạo đặc sản, mật ong, miến dong, trái cây theo mùa…

Chương trình OCOP đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua việc tham gia Chương trình các chủ thể sản xuất đã hiểu rõ được lợi ích của Chương trình, giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm cao hơn, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Chương trình nhận được sự hưởng ứng cao của các chủ thể sản xuất; các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sau khi được công nhận sản phẩm OCOP của các chủ thể, các sản phẩm tăng trưởng bình quân trên 10%, đặc biệt có những sản phẩm tiêu thụ hàng năm tăng trên 4 lần, như: sản phẩm Ổi Hua Nà của HTX Thanh niên Hua Nà, sản phẩm Bánh trưng gù Hoàng Thanh của HTX Nông nghiệp Thanh niên Mường Cang, sản phẩm Đương quy khô Sìn Hồ của HTX Mý Dao, sản phẩm Hoa Actiso sấy Sìn Hồ của HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, sản phẩm Chuối tươi Tam Đường của Công ty TNHH thương mại Lai Châu..., đã làm gia tăng giá trị, sản lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của các địa phương, các làng nghề, đặc sản vùng miền; tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Người dân thu hoạch Gạo Tẻ râu Phong Thổ - Sản phẩm OCOP 3 sao

            Việc xây dựng  và phát triển các sản phẩm OCOP đã giúp phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế các dòng sản phẩm chủ lực tại địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh khi tham gia vào chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất; mạnh dạn đầu tư thêm nguồn vốn mở rộng quy mô công ty, nhà xưởng sản xuất, mua máy móc hiện đại, tạo ra những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Không ít những sản phẩm trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nhờ kiểm định chất lượng đảm bảo và được gắn sao OCOP đã nâng cao công suất, mở rộng hướng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

         OCOP – cơ hội vàng để thương hiệu nông sản Lai Châu bay xa

Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lai Châu xác định phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP nhiều sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường. Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư phát triển Chè Tam Đường đã sản xuất các loại trà Oolong, Mat cha, Kim Tuyên... (sản phẩm OCOP đạt 4 sao) có mẫu mã, chất lượng tốt và xuất đi một số nước như: Đài Loan, Nhật Bản, EU, Afghanistan, Pakistan…

Cùng với việc xây dựng các sản phẩm OCOP, hoạt động nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cũng rất được Lai Châu chú trọng.  Để xúc tiến thương mại, kết nối giữa các sản phẩm OCOP của tỉnh với người tiêu dùng trong tình hình mới, UBND tỉnh Lai Châu đã chủ động chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và các công ty truyền thông hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quảng bá, kết nối, tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử như: Tiktok, face book, zalo, Alibaba.com, Amazon.com, Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn, Lazada.vn...

Tham gia bán sản phẩm OCOP Lai Châu trên nền tảng tiktok

Các hoạt động tổ chức trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản của tỉnh rất được quan tâm. Năm 2022, sản phẩm OCOP đã được quảng bá tại 08 hội chợ/sự kiện tại Hòa Bình, Yên Bái, Hà Nội, Phú Thọ) và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2022, Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022). Qua các Hội chợ/sự kiện giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản của tỉnh Lai Châu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tìm kiếm thông tin thị trường, khách hàng và ký các hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh góp phần kích cầu phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Có thể nói, các sản phẩm OCOP đang mang thương hiệu nông sản Lai Châu bay xa.


Tác giả: Văn phòng điều phối Nông Thôn mới tỉnh Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới

Tiếp tục hỗ trợ các Dự án Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững năm 2024 trong khuôn khổ Chương trình “Xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới”

Ngày 22-23/4/2024, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Quỹ Thiện Tâm phối hợp với Văn phòng nông thôn mới tỉnh Lai Châu tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá đề xuất của các Hợp tác xã đã đăng ký thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp điển ...
Danh sách liên kết
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 686
Tháng 04 : 5.296